Cơ hội lớn hút vốn FDI
Theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính 66 nền kinh tế mới nổi của Tạp chí The Economist năm 2020, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 với các chỉ số tài chính ổn định. Đây là cơ hội lớn để các tỉnh, thành phố trên cả nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Lựa chọn hàng đầu
Thực tế cho thấy, hiện nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng; Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, XK của ngành công nghiệp thời gian tới.
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho xu thế dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, tăng từ 17% năm 2018 lên 36% năm 2019, trong khi mức độ hấp dẫn của các điểm đến đầu tư khác là Ấn Độ và Thái Lan đều giảm.
Theo đó, lợi thế từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệu quả tốt trong phòng, chống dịch Covid- 19... đã giúp Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố để nâng cao hình ảnh, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI đang là chủ trương lớn của Chính phủ và được hiện thực hóa bằng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục, giá cho thuê đất… Đây là những động thái tích cực, làm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng Nai nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài |
Sẵn sàng tiếp nhận đầu tư
Theo ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore đang lên kế hoạch đầu tư vào địa phương với các ngành sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. 8 tháng năm 2020, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 723 triệu USD vốn FDI, đạt 66% kế hoạch năm. Trong đó, có 48 dự án cấp mới và 73 dự án tăng vốn. Những tháng cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh được khống chế, dự báo sẽ có làn sóng FDI từ các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, EU đầu tư vào Đồng Nai...
Cùng với tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào 3 đề án lớn, bao gồm: Xây dựng thành phố thông minh, thành phố Thủ Đức và Trung tâm tài chính quốc tế. Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố - cho hay, cả 3 đề án bước đầu đã nhận được sự đóng góp, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Với sự tăng tốc và đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư cùng hàng loạt lợi thế khác đã giúp Bình Dương trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư sau dịch Covid - 19. Đến nay, Bình Dương đã phát triển hạ tầng công nghiệp với 48 KCN có tổng diện tích lên đến hơn 10.000ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Bình Dương đang tiếp tục đầu tư phát triển các KCN khoa học - công nghệ để thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao.
Rõ ràng, Việt Nam đang có lợi thế thu hút FDI, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu và quyết tâm thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao. Vì thế, nguồn nhân lực phải đáp ứng cao hơn nữa về chất lượng. Đặc biệt, cần lưu ý cải thiện hạ tầng cơ sở và tăng sử dụng năng lượng mới. Việt Nam cũng nên sớm đẩy nhanh việc cho phép các chuyên gia đến làm việc trong bối cảnh tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, đạt được kết quả kinh doanh khả quan, ngoài nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, đặc biệt sự phản ứng kịp thời với đại dịch của Chính phủ Việt Nam.