Có thể giảm mức thuế khoán nếu hộ kinh doanh khó khăn
Ông Phạm Văn Hà đã đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh với ngành nghề kinh doanh là buôn bán mắt kính và kính mát. Hiện nay hộ kinh doanh của ông đang áp dụng nộp thuế theo phương pháp khoán, với mức doanh thu 185 triệu đồng/tháng.
Từ đầu năm 2015 đến nay, việc kinh doanh khó khăn, mức doanh thu thực tế đối với hộ kinh doanh của ông Hà cao nhất chỉ đạt 80 triệu đồng/tháng. Ông Hà hỏi, trong trường hợp này, ông có thể làm đơn đề nghị giảm mức thuế khoán hiện tại được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?
Về vấn đề này, Chi cục Thuế quận 1, TP. Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:
Căn cứ các quy định về nguyên tắc khai thuế, xác định doanh thu, mức thuế khoán và các trường giảm thuế khoán theo Khoản 1, 4, 11 Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh có hiệu lực thi hành từ ngày 30/7/2015, trường hợp ông Phạm Văn Hà là cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, nếu trong năm có thay đổi về hoạt động kinh doanh (ngành nghề, quy mô, địa điểm,...) thì ông Hà phải khai điều chỉnh, bổ sung để cơ quan thuế có cơ sở xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác về cá nhân kinh doanh cho thời gian còn lại của năm tính thuế.
Trường hợp ông Hà không thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán.
Trường hợp cá nhân kinh doanh ngừng/nghỉ kinh doanh thì gửi thông báo ngừng/nghỉ kinh doanh gửi đến Chi cục Thuế quận 1 chậm nhất là một ngày trước khi ngừng/nghỉ kinh doanh.
Nếu ông Hà nghỉ liên tục từ trọn một tháng (từ ngày mùng 1 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế khoán phải nộp của quý; nếu nghỉ liên tục trọn hai tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế khoán phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn quý được giảm toàn bộ số thuế khoán phải nộp của quý.
Trường hợp ông Hà ngừng/nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.
Nếu cá nhân kinh doanh bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì gửi văn bản đề nghị miễn (giảm) thuế theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính đến cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc năm dương lịch để Chi cục Thuế quận 1 có căn cứ xét miễn (giảm) thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành để xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp đối với hộ kinh doanh.
Nếu nội dung nào chưa rõ, đề nghị ông Hà liên hệ trực tiếp với Chi cục Thuế quận 1 để được hướng dẫn thêm.