Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào bước tiến mới trong cải cách
Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cuộc hội nhập đỉnh cao nhất của thế giới đương đại - chính thức được ký kết và bắt đầu các thủ tục phê chuẩn để thực thi trong năm 2018. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được sẽ quyết định bởi năng lực của thể chế và sức mạnh của đội ngũ doanh nhân.
Cải cách môi trường kinh doanh gắn với cải cách tư pháp
Hiệp định TPP chính thức được ký kết sẽ là niềm vui và cũng là nỗi lo của tất cả chúng ta. Cơ hội nhiều mà thách thức cũng vô cùng lớn. Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn. TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân.
Đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân.
Cần phát động một phong trào về khởi nghiệp và chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Chúng ta cần đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, hướng tới có ít nhất có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN và châu Á trong 5, 10 năm tới.
Để làm được việc này, tôi nhất trí cao với chủ trương “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”.
Thời gian tới, nhất là trong nhiệm kỳ của Đại hội Đảng lần thứ XII, chúng ta sẽ phải trải nghiệm những cuộc hội nhập lớn nhất, sâu rộng nhất. Đối với đội ngũ doanh nhân, đây sẽ là một chặng đường rất gian nan. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, trong khi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của chúng ta đang xếp ở thứ hạng thấp (với TPP, với EVFTA…, nền kinh tế của chúng ta là thấp nhất). So với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh. Ở nước ta, vào thời điểm hiện nay, bình quân gần 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có 1 doanh nghiệp. Hơn nữa, có tới 96-97% doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Gần 45% lực lượng lao động vẫn sống và làm việc trong khu vực nông nghiệp ở nông thôn với năng suất thấp và thiếu việc làm.
Những cải cách về Hiến pháp, luật, các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ nhằm phá bỏ những rào cản hành chính, tệ quan liêu nhằm đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào top 4 trong ASEAN là những nỗ lực làm giới doanh nghiệp ấm lòng. Những cải cách đã hướng theo tinh thần doanh nhân là người lính xung trận, Nhà nước là hậu phương vững chắc.
Nhưng dù đã có những bước tiến dài, nhưng cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn rất phiền hà và còn lạc hậu so với chuẩn mực chung của thế giới. Các cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh càng thành công, thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không thể lớn lên.
Môi trường kinh doanh lành mạnh không chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu. Sự chậm trễ trong xét xử, hiện tượng oan sai, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm… đang phát đi những tín hiệu về tình trạng thiếu an toàn của môi trường kinh doanh. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.
Cạnh tranh công bằng, tạo động lực mới cho doanh nghiệp
Thực tiễn đã chứng minh, những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường 3 thập kỷ qua, đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế, mà bản chất là mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tự do của người dân.
Thực tế trên là bằng chứng khẳng định việc đặt niềm tin ở nơi dân, trao quyền cho người dân và doanh nghiệp sẽ giúp giải phóng năng lực sáng tạo và huy động được những nguồn lực to lớn cho phát triển. Phải thay đổi tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó” bằng tư duy tiến bộ “năng lực quản lý của Nhà nước phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.
Chúng tôi cũng vui mừng khi thấy vai trò và yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân đã được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Báo cáo Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao”.
Cần bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng liên minh công-nông-trí-doanh trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng, xây dựng liên minh nền tảng công-nông-trí-doanh cũng chính là sự trở lại với đường lối, tư tưởng của Đảng ta và của Bác Hồ về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân và chính sách đại đoàn kết dân tộc với 5 cánh sao sĩ-nông-công-thương-binh trên lá cờ Tổ quốc. Sự ghi nhận này sẽ có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp dấn thân làm giàu, kiến quốc.
Chúng tôi tin tưởng chủ trương xây dựng mối liên kết, hợp tác cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cần khẳng định nhất quán trong các văn kiện Đại hội Đảng, vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập ở nước ta.
Kinh tế nhà nước có vai trò rất quan trọng, nhưng lực lượng giữ vai trò động lực trong nền kinh tế phải là khu vực kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế của toàn dân.
Để phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, tôi đề nghị tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước phải được đẩy mạnh. Việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ cần được triển khai một cách thực chất với lộ trình tích cực.
Mặt khác, thời gian tới, cần kiên quyết thực hiện xóa bỏ chức năng chủ quản doanh nghiệp Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương, thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Xóa bỏ chế độ chủ quản, một mặt, sẽ góp phần giải phóng các doanh nghiệp Nhà nước khỏi các can thiệp hành chính gây phiền hà của các cơ quan công quyền vào hoạt động kinh doanh, mặt khác, cũng tạo điều kiện để các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung vào chức năng quản lý Nhà nước, bảo đảm xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện với mọi chủ thể kinh doanh.
Tôi tin rằng, với quyết tâm đặt doanh nghiệp Nhà nước trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, tái cấu trúc và thực hiện quản trị doanh nghiệp Nhà nước một cách chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, tách bạch chức năng thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội với chức năng sản xuất kinh doanh… sẽ tạo ra sức đột phá, nâng cao hiệu quả của khu vực này, đáp ứng kỳ vọng của chúng ta về một hệ thống doanh nghiệp Nhà nước có năng lực cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.