Công trình xây dựng cơ bản trước nỗi lo biến động giá
Hiện nay, không chỉ giá nhiên liệu tăng cao, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng cũng biến động mạnh, các công trình xây dựng cơ bản đều đứng trước nỗi lo “đội giá” và giãn tiến độ.
Ngày 11/3 vừa qua, giá xăng tăng thêm 3.000 đồng/lít, chạm ngưỡng gần 30.000 đồng/lít, đây là mức tăng giá cao nhất từ trước đến nay. Không những xăng, dầu tăng giá mà từ cuối năm 2021 đến nay, đồng loạt các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép, đá, cát, bê tông thương phẩm vượt xa so với giá tại thời điểm bỏ thầu khiến không ít doanh nghiệp xây dựng gặp khó.
Đơn cử, tại Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột - một công trình trọng điểm của tỉnh được khởi công xây dựng từ cuối tháng 9/2015, hiện đang gặp nhiều khó khăn do vật giá tăng cao, vượt xa so với thời điểm lập đơn giá.
Theo ông Phạm Quốc Dũng - Chỉ huy công trình thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 515 (nhà thầu thực hiện dự án này), với tầm quan trọng của dự án, hiện nay nhà thầu đang tập trung nhân lực, thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ, đạt kế hoạch đề ra.
Dự kiến đến đầu tháng 9/2022, công trình sẽ thông xe kỹ thuật nhằm chào mừng 77 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Tuy nhiên, cũng như nhiều dự án xây dựng cơ bản khác, Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột phải đối diện với khó khăn do biến động của giá cả thị trường.
Ông Phạm Quốc Dũng: "Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cơ bản, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay để doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay".
Bởi thực tế, đơn giá của gói thầu được lập từ năm 2015 có sự chênh lệch rất lớn với thời điểm hiện tại. Cụ thể, hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng, giá thuê ca máy, nhân công đều tăng từ 30 - 50% so với thời điểm lập đơn giá vào năm 2015.
Thêm vào đó, quá trình triển khai dự án này gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn tới kéo dài thời gian triển khai, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành.
Ngoài giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, các chi phí phát sinh từ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và logistics (khâu trung gian vận chuyển hàng hóa) trong thời gian qua cũng tác động mạnh đến quá trình thi công dự án của nhà thầu.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại tổng mức đầu tư của dự án này đã được điều chỉnh tăng thêm 241 tỷ đồng so với kinh phí phê duyệt ban đầu (từ 998 tỷ đồng lên 1.239 tỷ đồng), nhưng mức điều chỉnh tăng lên này chủ yếu là kinh phí dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
Tương tự, đối với công trình Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk (địa điểm tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) chính thức được khởi công xây dựng từ cuối tháng 2/2021, tổng mức đầu tư gần 167 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, với mục tiêu đảm bảo đủ chỗ giảng dạy, đào tạo cho 1.500 sinh viên cao đẳng và đủ chỗ làm việc cho 116 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trường vào năm 2025. Sau hơn một năm khởi công xây dựng, đến đầu tháng 3/2022 công trình đạt 40% khối lượng. Từ cuối năm 2021 đến nay, công trình này cũng đối mặt với khó khăn do giá cả các mặt hàng đều “leo thang”.
Ông Nguyễn Ngọc Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk – nhà thầu xây dựng công trình này thông tin, so với thời điểm công ty bỏ thầu nguyên vật liệu vào cuối năm 2020 thì nay nhiều mặt hàng giá đều tăng cao, vượt xa.
Đơn cử như giá thép hiện tăng hơn 30%, giá cát, đá tăng 20%, xi măng tăng từ 5 - 15%, gạch ốp lát (tùy loại) tăng từ 10 - 30%... Ngoài ra, hiện nay đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh dao động từ 200.000 – 260.000 đồng/người/ngày, thấp hơn nhiều so với giá nhân công (lao động tự do) ở ngoài thị trường khiến việc tuyển dụng người làm ở các công trình xây dựng từ vốn ngân sách cũng gặp không ít khó khăn.
Để kịp tiến độ theo kế hoạch đề ra, công ty duy trì khoảng 80 người thực hiện quản lý, giám sát và thi công công trình. Tuy nhiên, với tác động mạnh của giá cả thị trường, công trình này cũng đứng trước nỗi lo giãn tiến độ.
Việc giá cả “leo thang” không những gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu mà đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình nếu Nhà nước không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng, sản phẩm đều “đội giá” như hiện nay, việc điều chỉnh, bù giá cho các công trình đã ký trước đây như bù giá nhân công, điều chỉnh giá vật tư, vật liệu theo giá thị trường nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết.