Cuộc đua lãi suất huy động đã “biến tướng”?
Để tránh quy định của cơ quan quản lý, một số nhà băng đã chuyển hướng sang phát hành chứng chỉ tiền gửi, thay vì đua tăng lãi suất huy động.
Đua lãi suất vẫn nóng
Công ty chứng khoán SSI cho biết, ngoại trừ 2 trong nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước lớn giảm lãi suất tiền gửi từ 20-30 điểm cơ bản, kể cả với kỳ hạn dài 12-13 tháng, hầu hết lãi suất huy động của các ngân hàng đều đi ngang, thậm chí một số NHTM có thị phần nhỏ tiếp tục huy động kỳ hạn trên 13 tháng ở mức lãi suất 8,2-8,5%/năm.
Hiện lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4,1-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng; 6,8-8,5% đối với kỳ hạn 24 tháng trở lên.
Đáng chú ý, sau lời nhắc nhở của NHNN hồi cuối tháng 8/2019, các nhà băng không dám chạy đua tăng lãi suất huy động nữa, mà chuyển sang đưa phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng. Theo đó, hiện khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi tại VietcapitalBank có thể nhận được lãi suất lên tới 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng; còn với kỳ hạn 24 tháng lãi suất cũng lên tới 9,5%/năm, cao hơn khoảng 1% so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn trên thị trường hiện nay.
Lý giải cho động thái này, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, hiện nay nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp và cả người dân rất lớn (vay mua nhà, ô tô…), trong khi vốn huy động của các các ngân hàng chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Thêm vào đó, NHNN lại đang có xu hướng siết chặt hơn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn, hiện đang là 40% và dự kiến sẽ giảm còn 30% trong thời gian tới.
“Để đáp ứng được nhu cầu thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, ngân hàng phải tăng huy động vốn trung, dài hạn. Đây là lý do nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi thời gian gần đây”, vị này cho biết.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng giải thích rõ hơn lý do các ngân hàng không nâng lãi suất huy động các kỳ hạn dài mà lại chọn phương thức phát hành chứng chỉ tiền gửi là vì chứng chỉ tiền gửi thường đi kèm với điều kiện không được rút trước hạn, thậm chí nhiều loại chứng chỉ tiền gửi chỉ được nhận lãi vào ngày đáo hạn. Trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn dài vẫn có thể rút trước hạn. “Điều đó có nghĩa nguồn vốn trung- dài hạn huy động bằng chứng chỉ tiền gửi có tính ổn định cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm”, vị chuyên gia này cho biết.
Đi ngược xu hướng
Cuộc đua lãi suất huy động vẫn nóng khiến cho kỳ vọng giảm lãi suất cho vay càng thêm xa vời. Diễn biến này dường như đang đi ngược lại với xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu.
Theo SSI, FED vừa cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 1,5-1,75%- lần giảm lãi suất thứ ba kể từ đầu năm. Động thái này của FED đã kéo theo 10 NHTW khác cũng cắt giảm lãi suất, trong đó hầu hết là cắt giảm lần thứ 3 trong năm 2019.
Trong khi tại Việt Nam, mặc dù các mức lãi suất điều hành cũng đã được NHNN cắt giảm 25 điểm cơ bản, nhưng hiện tại vẫn ở mức khá cao, lãi suất OMO là 4,5%/năm và tín phiếu là 2,25%/năm. Lãi suất tín phiếu đã cao hơn lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong cả tháng vừa qua. “Với việc tỷ giá và lạm phát đang được kiểm soát tốt nên chúng tôi nghiêng về khả năng lãi suất điều hành (tín phiếu) sẽ được giảm thêm 25 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2019”, SSI nhận định.
Tuy nhiên theo tổ chức này, lãi suất trên thị trường 1 không chịu nhiều tác động từ lãi suất điều hành hay diễn biến trên liên ngân hàng mà chịu ảnh hưởng từ nhu cầu huy động vốn tài trợ tín dụng trong quý cao điểm cũng như các yêu cầu về cơ cấu vốn có hiệu lực từ 2020.
Trên thực tế, mặc dù 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh đã giảm tiếp lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%- lần giảm thứ hai trong năm, nhưng sự hưởng ứng của các ngân hàng cổ phần tư nhân là khá yếu ớt, chủ yếu do mặt bằng lãi suất huy động đang neo ở mức rất cao hiện nay.
Cơ hội giảm lãi suất cho vay càng thêm khó khi mà quý IV cũng là quý tăng tốc của tăng trưởng tín dụng và giải ngân đầu tư công nên nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng nhiều khả năng sẽ bớt dư thừa, qua đó lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể sẽ bật tăng nhẹ trở lại trong quý IV.
Mặc dù vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ có tác dụng neo giữ mặt bằng lãi suất cho vay không tăng trong những tháng cuối năm. Còn nhớ tại buổi họp báo mới đây, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định, "những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế”.