Đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và địa phương


Nhờ những giải pháp quyết liệt của Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2020 được đảm bảo trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến kinh tế - xã hội.

Ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách. Nguồn: internet
Ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách. Nguồn: internet

Đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch

Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác dẫn đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm có xu hướng giảm.

Tính đến hết tháng 6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%), chỉ có 34/63 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán, 24/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019, tương ứng là 52/63 và 55/63 địa phương).

Đến hết tháng 6/2020, NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, nhưng vẫn phải tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng.

Tổng chi NSNN đến hết tháng 6/2020 ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.

NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, 4,1 nghìn tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch, chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...); Đồng thời, xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.

Đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và địa phương

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương được đảm bảo. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và sử dụng hiện quả ngân quỹ nhà nước. Đến hết ngày 30/6/2020, đã thực hiện phát hành 96,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,01 năm, lãi suất bình quân 2,99%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiếp cận đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… nhằm giảm áp lực vay trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang chuẩn bị Kế hoạch vay và trả nợ 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có trên 90 quốc gia bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc/xem xét hạ bậc hoặc điều chỉnh triển vọng. Riêng Việt Nam, ngày 08/4/2020, Fitch vẫn giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định; ngày 21/5/2020, S&P đã tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định; trong tháng 5/2020, Moody’s cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam.

Đến hết tháng 6/2020, ngân sách trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công.

Để hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng kinh tế Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ Tài chính đã dự kiến các phương án cân đối NSNN để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Theo đó, trường hợp GDP tăng khoảng 4,5%, bội chi NSNN tăng thêm khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi NSNN không quá 4,73% GDP; trường hợp GDP tăng 3,6%, bội chi NSNN tăng thêm khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi NSNN không quá 5,02% GDP.  

Tuy nhiên, với cả 2 kịch bản tăng trưởng trên, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn không quá 3,9% GDP và nợ công không qua 65% GDP, đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội. Trường hợp tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức 3,6%, thì mức và tỷ lệ bội chi so GDP có thể cao hơn.

Trên cơ sở đó, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14 yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng. Trường hợp hụt thu và phải chi những khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà còn khó khăn thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao; phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang), đồng thời, tập trung thực hiện rà soát, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ chi để cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết...