Đằng sau sự ổn định của tỷ giá
(Taichinh) - Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần điều chỉnh tỷ giá, như vậy biên độ điều chỉnh 2% trong năm nay - theo tuyên bố của NHNN - đã hết. Song, trong bối cảnh đồng nội tệ các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như VNĐ liên tục mất giá so với USD thì Chính phủ và NHNN nên cân nhắc những rủi ro có thể xảy ra khi giữ cứng biên độ.
Theo đánh giá của Ts Lê Quốc Phương, Bộ Công thương, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh của NHNN trong thời gian qua đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Tỷ giá ổn định giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh và giảm thiểu những rủi ro liên quan đến ngoại tệ; giảm bớt gánh nặng nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp và của quốc gia.
Việc giữ đồng nội tệ không mất giá trong một khoảng thời gian tương đối dài cũng giúp giảm áp lực đối với lạm phát kỳ vọng và lạm phát thực tế. Khi lạm phát ổn định, niềm tin vào VNĐ tăng lên giúp giảm thiểu rõ rệt tình trạng người dân cất trữ tài sản bằng việc mua ngoại tệ, đẩy lùi tình trạng dollar hóa.
Ths Nguyễn Vân Anh, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, khi tỷ giá ổn định, NHNN có cơ hội mua một khối lượng lớn USD làm tăng dự trữ ngoại hối, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng sức mạnh tài chính quốc gia. Chúng ta có nền tảng khá vững chắc cho việc giữ ổn định tỷ giá khi dự trữ ngoại tệ đang ở mức cao nhất từ trước tới nay khoảng 35 - 38 tỷ USD. Cán cân thanh toán cũng được dự báo thặng dư từ 7 - 8 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng nội tệ các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như VNĐ liên tục mất giá so với USD như hiện nay, Chính phủ và NHNN phải cân nhắc đến những rủi ro có thể xảy ra khi giữ cứng biên độ tỷ giá. Cảnh báo này được các chuyên gia kinh tế nêu tại hội thảo công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2015 - Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 28.5.
Tính toán của VEPR cho thấy, giai đoạn 2011 - 2014, VNĐ có xu hướng lên giá và hiện đang được định giá cao khoảng 7 - 11%. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành: nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và khai khoáng. Trong đó, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỷ giá thiếu sức cạnh tranh.
Cụ thể, nếu VNĐ định giá cao 10%, khiến sản lượng ngành này có thể giảm 7,65% và xuất khẩu giảm 11,64%. Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng lên 33,17% nếu VNĐ được định giá cao hơn 10%. Bên cạnh đó, tình trạng giảm đột ngột lượng khách du lịch tới Việt Nam, nhập siêu đang trở lại nhanh chóng… cũng cần được xem xét dưới tác động của chính sách tỷ giá hiện nay.
Việc neo giữ tỷ giá khi euro, yen, nhân dân tệ đã phá giá rất mạnh so với đồng USD còn dẫn đến đến những rủi ro cho kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn như: rủi ro đầu cơ, trả nợ công, gia tăng nhập siêu, thất thu cho ngân sách.
Trước những rủi ro nói trên, VEPR kiến nghị cần có một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu ở mức giá cân bằng. Trong đó, bước đầu tiên cần phải để tỷ giá thực tiền đồng tiếp tục gia tăng và đòi hỏi mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa cần phải lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới.
NHNN đang phải cân đong, đo đếm giữa hai lựa chọn. Một, giữ VNĐ ổn định để ổn định vĩ mô. Hai, cho VNĐ mất giá nhiều hơn nữa để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đi kèm với rủi ro về lạm phát, bong bóng tài sản, gánh nặng nợ và sự gia tăng chuyển đổi tài sản từ VNĐ sang đồng tiền khác.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tất nhiên NHNN sẽ ưu tiên lựa chọn phương án 1 – là phương án an toàn. Nhưng rất có thể, trong những năm tới, cam kết biến động 2% sẽ được xem xét lại theo hướng có một khung biến động tỷ giá cao hơn, nhưng bảo đảm tỷ giá vẫn nằm trong khung đó. Như vậy, NHNN vừa không “mất điểm”, vừa duy trì niềm tin vào hiệu quả chính sách tiền tệ và uy tín của người điều hành.
Có một luồng quan điểm khác rất cần được lưu tâm của Ts Hồ Quốc Tuấn, giảng viên đại học Bristol, Anh. Ông Tuấn không ủng hộ một đợt phá giá mạnh VNĐ để cải thiện sức cạnh tranh ngay lúc này vì ta phá giá được thì nước khác cũng phá giá được.
Mặt khác, phá giá rồi thì lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước độc quyền đòi tăng giá (chẳng hạn giá xăng dầu), khiến họ trì hoãn cải cách (vì phá giá giúp họ có sức cạnh tranh về giá nên không cần phải cải tiến năng suất). Nền kinh tế Việt Nam sau một đợt phá giá mạnh sẽ lại trở thành một nền kinh tế chi phí cao, năng suất thấp và sẽ lại phải tiếp tục… phá giá. Mọi sự đâu lại vào đấy.
Vì vậy, TS. Hồ Quốc Tuấn cho rằng, muốn cải thiện sức cạnh tranh, phải quyết tâm cải cách doanh nghiệp nhà nước, gỡ bỏ những nút thắt về thể chế để tăng năng suất và năng lực áp dụng công nghệ. Khi đó rồi hãy nghĩ tới dùng tỷ giá để hỗ trợ cho sức cạnh tranh.