DATC tăng tốc xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp

PV.

Bằng nhiều nỗ lực vượt bậc trong thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2015, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, tổng doanh số mua nợ và tài sản trong 6 tháng của DATC đạt là khoảng 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu hơn 900 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2014, trong đó doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là hơn 700 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

DATC đã nỗ lực triển khai xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines),
DATC đã nỗ lực triển khai xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines),

Tăng trưởng vượt trội

6 tháng đầu năm, DATC đạt tổng doanh số mua nợ và tài sản tăng gần gấp 3 lần, nộp ngân sách tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2014. Công ty đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp (DN) xử lý nợ và tài sản tồn đọng, trong đó có những tập đoàn, tổng công ty. Đây là một trong số những kết quả tích cực mà DATC đã đạt được trong quá trình hoạt động nửa đầu năm 2015.

Trong hoạt động mua bán nợ năm 2015, Công ty đã hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho 33 DN; doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận là 62,4 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Về thực hiện nghĩa vụ nhà nước, Công ty đã nộp ngân sách 68,3 tỷ đồng (trong đó 43,7 tỷ đồng nộp qua Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC), tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2014.

Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2015, Công ty đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra. Cụ thể là tiếp tục rà soát lại các phương án mua bán nợ và tài sản đang xử lý dở dang, triển khai các phương án mua bán nợ mới. Đề ra giải pháp xử lý tài chính, tái cơ cấu của các DN khách nợ để thu hồi nợ (hoàn thành tái cơ cấu 3 DN). Đẩy mạnh đàm phán mua nợ đối với các ngân hàng. Tăng cường hoạt động thu nợ, xử lý nợ đối với các DN đã mua nợ, thực hiện các giải pháp hiệu quả trong xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ, kể cả việc phối hợp với tòa án để theo sát và đẩy nhanh tiến độ xét xử với các DN đã khởi kiện…

Cùng với đó, DATC đã phối hợp chặt chẽ với Ban đổi mới DN thuộc các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhằm chủ động tổ chức tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN. Đẩy mạnh xử lý tài sản và thu hồi nợ đã tiếp nhận. Tăng cường công tác quản lý đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các DN khác theo kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm Công ty đã triển khai thoái vốn tại 11/24 DN.

Cùng với việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, DATC cũng đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao về xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Haprocimex.

Vẫn còn những vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo công ty DATC cũng cho biết về một số khó khăn liên quan đến cơ chế, sự phối hợp của DN, chủ nợ, của cơ quan quản lý trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn như quá trình đàm phán mua nợ với một số ngân hàng bị chậm trễ do các ngân hàng ưu tiên bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Một lý do khác là do cơ chế bán nợ đặc thù của một vài ngân hàng thường rất phức tạp, quá trình phê duyệt để bán khoản nợ thường kéo dài.

Mặt khác, việc chủ sở hữu chậm phê duyệt kết quả xác định giá trị DN cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ tái cơ cấu DN của DATC. Về vấn đề này, DATC cũng cố gắng tạo ra các kênh hợp tác mới để xây dựng thiện chí với các đơn vị có liên quan trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.

Một trong những trở ngại nữa là thị trường mua bán xử lý nợ xấu có rất nhiều những chủ thể tham gia vào quá trình đàm phán mua bán nợ (các cơ quan pháp lý, các Ban ngành chủ quản doanh nghiệp, các ngân hàng cho vay, các doanh nghiệp chủ nợ...).

Trong đó, quá trình đàm phán với cácđơn vịđóng vai tròchủ sở hữu DN cần thời gian nhiều nhất,vì DATC buộc phải đám phàn với từng chủ nợ khác nhau. Việc đàm phán kéo dài khiến cho tiến độ thực hiện tái cơ cấu có độ trễ về thời gian vì phải ký hợp đồng mua nợ xong mới tiến hành xử lý nợ cho doanh nghiệp để tái cấu trúc.

Thêm vào đó là quy trình xácđịnh giá trịchuyển đổi sở hữu hiện có nhiềuphức tạp (quy trình thẩm định giá và phương án tái cơ cấu cần có sự phê duyệt của các Bộ Ban ngành...). Cuối cùng là do cơ chế hoạt động của DATC dù mang tính đặc thù nhưng chưa thực sự đủ mạnh để xử lý nợ triệt để và tái cơ cấu DN.

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nói trên, DATC cũng tích cực triển khai công tác xây dựng cơ chế chính sách, quy trình quản trị nội bộ. Đối với việc xây dựng chính sách, Công ty đã hoàn chỉnh dự thảo trình Bộ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 79/2011/TT-BTC ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC; Thông tư số 38/2006/TT-BTC về mua bán, tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng; Tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Bộ về Đề án chiến lược kinh doanh của Công ty giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án nâng cấp DATC thành Tổng Công ty Mua bán nợ Việt Nam.

Ngoài ra, Công ty đã hoàn thiện dự thảo, bổ sung và sửa đổi hơn các quy trình, quy chế quản trị nội bộ và đánh giá thí điểm cơ chế tiền lương gắn với hiệu quả kinh doanh; Triển khai các hoạt động về công tác Đảng, Đoàn theo chỉ đạo của Đảng ủy Bộ, tham gia tích cực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tài chính.