Dấu ấn ngành Thuế 2012 và 11 giải pháp vượt khó 2013
(Tài chính) Với sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn thể công chức thuế trong cả nước trong năm 2012 cuối cùng đã được đền đáp bằng kết quả thu ngân sách nhà nước ấn tượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đây là động lực tiếp sức cho ngành Thuế bước vào năm 2013 với khí thế mới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.
“Bản lĩnh và trình độ quản lý thuế được thử thách nhiều nhất…”
Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên FinancePlus mới đây. Tổng Cục trưởng chia sẻ, năm 2012 là một năm mà ngành Thuế khẳng định bản lĩnh và trình độ quản lý thuế được thử thách nhiều nhất trong công tác động viên nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN); ngành Thuế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tạo tiền đề để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2013.
Điểm lại những kết quả ấn tượng trong năm 2012 của ngành Thuế, vị tư lệnh ngành Thuế cho biết, năm 2012, tổng thu NSNN ước đạt 607.844 tỷ đồng, vượt 4,5% dự toán pháp lệnh và tăng 12,4% so với thực hiện năm 2011. Trong đó thu dầu thô ước đạt 140.107 tỷ, vượt 61% dự toán và tăng 27,1% so với năm 2011; Thu nội địa ước đạt 467.737 tỷ, bằng 94,6% dự toán và tăng 8,6% so với năm 2011; Thu nội địa trừ đất ước đạt 422.592 tỷ, bằng 92,3% dự toán và tăng 11,3% so với năm 2011…; cũng trong năm 2012, ngành Thuế đã thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó có 4.500 tỷ đồng gia hạn sang năm 2013.
Năm 2012 là một năm bản lĩnh và trình độ quản lý thuế được thử thách nhiều nhất.
Ngoài ra, trong năm 2012, ngành Thuế đã đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) với việc nhân rộng sáng kiến “Tuần lễ lắng nghe ý kiến NNT”, thực hiện hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế cho 185.157 lượt; hỗ trợ qua điện thoại 224.014 lượt; trả lời 21.036 văn bản; tổ chức 6.275 lớp tập huấn cho 397.254 lượt và tổ chức 3.602 buổi đối thoại với 115.845 lượt NNT…
“Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”
Là 4 giá trị được toàn ngành Thuế coi trọng, xây dựng và gìn giữ trong bản Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam 2012. Đây là dấu ấn quan trọng của toàn Ngành trong năm 2012 trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp trong 67 năm hình thành và phát triển. Tuyên ngôn còn thể hiện cam kết của ngành Thuế trước Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Tuyên ngôn sẽ là thước đo để NNT có thể lấy đấy làm căn cứ để đối chiếu với các hành vi của ngành Thuế nói chung và của từng công chức, viên chức thuế nói riêng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chính vì vậy cộng đồng xã hội, đặc biệt là NNT có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, thực thi cam kết trong Tuyên ngôn.
Nhiều ý kiến cho rằng, qua bản Tuyên ngôn, NNT sẽ thấy hình ảnh công chức, viên chức thuế đáng tin cậy hơn, thân thiện hơn, luôn tận tâm trong công việc, thể hiện mức độ chuyên nghiệp cao trong việc thực thi công vụ; chính sách thuế và công tác quản lý thuế rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, công khai tất cả các thủ tục hành chính thuế từ Trung ương đến địa phương đảm bảo quyền và lợi ích của NNT nói riêng và mọi tổ chức, cá nhân nói chung.
“Để triển khai, duy trì và giám sát việc thực hiện Tuyên ngôn ngành Thuế, chúng tôi sẽ xây dựng bản mô tả yêu cầu công việc để thực hiện Tuyên ngôn theo từng chức năng quản lý thuế và phục vụ NNT; đưa nội dung Tuyên ngôn vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức, văn hoá công sở của cán bộ, công chức thuế; xây dựng nội dung kiểm tra, đánh giá về công tác triển khai, thực hiện Tuyên ngôn, bổ sung tiêu chí chấp hành thực hiện Tuyên ngôn ngành Thuế vào nội dung thi đua, khen thưởng hàng năm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho NNT”, Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam, nói.
Nhiệm vụ mới, khí thế mới
Nhằm tạo khí thế mới trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Thuế trong năm 2013, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt mà toàn Ngành cần tập trung triển khai để hoàn thành kế hoạch thu NSNN năm 2013 là 644.500 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 99.000 tỷ đồng, thu nội địa là 545.500 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 39.00 tỷ đồng và thu nội địa trừ đất là 506.500 tỷ đồng (tăng 19,9% so với ước thực hiện năm 2012).
Theo đó, năm 2013 ngành Thuế triển khai quyết liệt các nội dung để hoàn thành nhiệm vụ nói trên, đó là:
Thứ nhất, thực hiện kịp thời, triệt để các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính về những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu;
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tiếp tục thực hiện tốt Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật thuế Bảo vệ môi trường. Tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN và thuế tiêu thụ đặc biệt;
Thứ ba, đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hoá hệ thống thuế đảm bảo lộ trình đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt cả về cải cách chính sách thuế và quản lý thuế. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế nhằm giảm thời gian, chi phí cho NNT, tạo mọi điều kiện thuận lợi DN sản xuất kinh doanh phát triển;
Thứ tư, thực hiện tốt chương trình phòng và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Tăng cường công tác quản lý nội ngành, tăng cường kỷ cương kỷ luật, đổi mới phương pháp làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao.
11 giải pháp đột phá năm 2013
Để tạo động lực cho toàn Ngành trong năm 2013, Tổng cục Thuế đã đề ra các nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện như sau:
Một là, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp uỷ, UBND các cấp để chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013; Các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính…; Thực thi nghiêm túc, chính xác, kịp thời và công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí dành cho DN; tạo thuận lợi, tránh gây khó khăn, phiền hà và tạo niềm tin, sự phấn khởi, sức lan toả sâu rộng, góp phần giúp DN sớm hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh;
Hai là, nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo một cách chủ động và tích cực hơn nữa; phát hiện và đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu NSNN trên địa bàn, nhất là những năng lực sản xuất mới phát sinh; theo dõi thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách các khoản thuế từ năm 2012 đã hết thời gian gia hạn… đảm bảo công tác phân tích, dự báo thực sự là cơ sở quan trọng giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu ngân sách;
Ba là, tăng cường công tác quản lý đăng ký thuế, kê khai miễn, giảm, hoàn thuế; hoàn tất việc triển khai dự án kê khai thuế qua mạng tại 63 tỉnh, Thành phố tiến tới nộp thuế qua mạng; thực hiện thí điểm Đề án Kế toán thuế nội địa; Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo mục tiêu thanh tra đạt 1,79% và kiểm tra đạt 13% tổng DN thuộc diện quản ý; kịp thời đôn đốc thu nộp khoảng 75 - 80% số tiền thuế truy thu và tiền phạt vào NSNN;
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam yêu cầu cán bộ thuế đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đồng lòng quyết tâm, vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế năm 2013.
Bốn là, tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt 02 Luật (Luật Quản lý thuế và Luật thuế TNCN). Đồng thời nâng cấp đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung, sửa đổi quy trình quản lý thuế...; Sửa đổi, bổ sung chính sách thuế GTGT, TNDN, mở rộng khai thác nguồn thu từ thuế tài nguyên; sửa đổi, bổ sung chính sách thu từ đất, phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi; Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng và cung cấp dịch vụ;
Năm là, đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án thuộc Chiến lược phát triển ngành Thuế giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2015 đảm bảo lộ trình và yêu cầu đã đề ra... ; Đẩy mạnh tự động hoá quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính thuế; Tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan trong việc thu thập thông tin quản lý người nộp thuế...; Chỉ đạo triển khai các hoạt động thuộc Dự án hiện đại hoá quản lý thuế (Tamp);
Sáu là, thực hiện công tác quản lý thuế đối với các DN lớn, trong đó tập trung vào các mặt công tác chính như: Thực hiện chức năng điều phối, hướng dẫn, hỗ trợ công tác thanh, kiểm tra, nhấn mạnh công tác điều phối thanh, kiểm tra; Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc của DN lớn; tăng cường đối thoại để kịp thời nắm bắt tồn tại, vướng mắc về cơ chế chính sách và quản lý thuế của DN lớn; Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với các DN lớn;
Bảy là, chủ động hơn nữa trong việc hợp tác, giao lưu về công tác thuế với khu vực và thế giới. Tiến hành đàm phán, tiến tới ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia và vũng lãnh thổ đảm bảo theo kế hoạch đề ra...;
Tám là, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, tập trung kiểm tra những đơn vị phát sinh nhiều đơn thư khiếu tố. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ, chú trọng vào những khâu có rủi ro trong lãng phí, tham nhũng nhằm phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Nhà nước;
Chín là, tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ, có mối quan hệ tốt với cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong việc quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cũng như có biện pháp ngăn ngừa, phòng ngừa kịp thời các sai phạm của cán bộ; Chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng quản lý cho cán bộ, công chức thuế...;
Mười là, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng, nâng cấp và xây mới các công trình trụ sở làm việc của các cơ quan thuế, mua sắm tài sản, trang bị kịp thời phương tiện làm việc đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý thuế. Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành...;
Mười một, thực hiện đầy đủ quy chế làm việc của Ngành, tăng cường quán triệt chủ trương, nhắc nhở công chức chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, việc trả lời vướng mắc về thủ tục, chính sách thuế của cơ quan thuế và người dân phải đảm bảo kịp thời, đúng hạn./.