Tham vọng của doanh nghiệp có dễ hút nhà đầu tư chứng khoán?

Theo KHÁNH PHƯƠNG/doanhnhansaigon.vn

Nhà đầu tư chứng khoán hiện nay không chỉ trông chờ vào kết quả kinh doanh năm 2017 mà còn quan tâm đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2018. Những doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng vượt bậc luôn nhận được sự chú ý của giới đầu tư và có thể sớm thu hút dòng tiền trong ngắn hạn.

Những doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng vượt bậc luôn nhận được sự chú ý của nhà đầu tư chứng khoán.
Những doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng vượt bậc luôn nhận được sự chú ý của nhà đầu tư chứng khoán.

Kế hoạch lớn công bố sớm

Không đợi hết năm 2017, HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư LDG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018, theo đó LDG đặt ra mục tiêu doanh thu 2.633 tỷ đồng, tăng 75,6% so với kế hoạch doanh thu của năm 2017, lợi nhuận sau thuế 554 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với con số 250 tỷ đồng của năm 2017. Giá cổ phiếu của LDG đã tăng gấp 3 lần trong năm 2017 và những ngày đầu năm nay tiếp tục đà đi lên khi thu hút dòng tiền sau khi công bố kế hoạch cho năm sau.

Trong mảng bất động sản, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) cho biết, lợi nhuận năm 2018 sẽ tăng đột biến so với 2017, có thể gấp 2 - 3 lần với mức 126 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch năm nay, do TDC tiếp tục mở bán khoảng 30% diện tích khu dân cư TDC Hòa Lợi có tổng diện tích khoảng 100ha, quy hoạch thành 29 lô.

TDC là một trong những doanh nghiệp duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn và ổn định trên 10%/năm. Cổ phiếu TDC trong năm 2017 không có nhiều đột biến, tuy nhiên với điểm rơi lợi nhuận vào 2018 thì giá cổ phiếu năm sau có thể sẽ khác.

Ở lĩnh vực ngân hàng, VPBank tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2018 của riêng ngân hàng mẹ tăng 68,4%, lên 4.015 tỷ đồng, lãi ròng hợp nhất đạt 8.528 tỷ đồng, tăng 48,4%. Lợi nhuận của VPBank trong những năm qua đã tăng mạnh và trở thành ngân hàng dẫn đầu trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, nhờ sự đóng góp từ mảng cho vay tiêu dùng của công ty con FE Credit. Giá cổ phiếu VPBank những ngày đầu năm tăng mạnh khi từ vùng giá dưới 40.000đ/CP vọt lên gần vùng 45.000đ/CP.

Quá khứ đã cho thấy nhiều doanh nghiệp đặt ra mục tiêu rất tham vọng, tuy nhiên kết quả thực hiện sau đó gây thất vọng cho nhà đầu tư, do khi xây dựng kế hoạch đã không bám sát thực tiễn cũng như không dự báo chính xác môi trường kinh doanh thay đổi hay những rủi ro không lường trước được.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã sớm công bố kế hoạch năm 2018, thậm chí có những doanh nghiệp ngay từ tháng 11/2017 đã đưa ra kế hoạch khá tham vọng cho năm sau.

Điều cần lưu ý là những doanh nghiệp công bố kế hoạch sớm thường đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh. Như Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.500 tỷ đồng, tăng 67%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 330 tỷ đồng, tăng 50% so với 2017, và tỷ lệ cổ tức dự kiến 20 - 30%.

Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu thuần 2018 hơn 8.000 tỷ đồng, lãi ròng trên 3.300 tỷ đồng, tăng đáng kể so với kế hoạch đề ra năm 2017.

Công ty cổ phần Vận tải dầu khí đã lên kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018 - 2020 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lần lượt là 460 tỷ đồng, 498 tỷ đồng và 542 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thủy sản thì Công ty cổ phần Nam Việt dự kiến năm 2018 đạt được 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 30% so với 2017.

Liệu có khả thi?

Việc đặt kế hoạch tăng trưởng cao vốn đơn giản nhưng để thực hiện không phải dễ. Quá khứ đã cho thấy nhiều doanh nghiệp đặt ra mục tiêu rất tham vọng, tuy nhiên kết quả thực hiện sau đó gây thất vọng cho nhà đầu tư, do xây dựng kế hoạch không bám sát thực tiễn cũng như không dự báo chính xác môi trường kinh doanh thay đổi hay những rủi ro không lường trước được.

Trong bối cảnh kinh doanh năm 2018, kỳ vọng chung của giới đầu tư cũng như mục tiêu xuyên suốt của nhà điều hành là mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định, thậm chí có thể giảm, hoạt động của các ngân hàng ổn định, nợ xấu không tăng và doanh nghiệp tiếp tục tiết kiệm được chi phí lãi vay, có động lực mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, việc thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do cũng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những ngành Việt Nam có thế mạnh như dệt may, thủy sản, nông nghiệp. Đặc biệt ngành Thủy sản sau giai đoạn lao dốc, được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2018.

Công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế từ việc phụ thuộc vào vốn đầu tư sang đẩy mạnh xuất khẩu và kích thích tiêu dùng cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu các loại hàng hóa và có thể kích thích sản xuất của các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.

Dân số Việt Nam với hơn 90 triệu người trong khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có hiệu lực từ cuối 2015 với hơn 600 triệu dân là một thị trường hấp dẫn, không chỉ đối với doanh nghiệp nước ngoài mà còn trở thành cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Ở lĩnh vực bất động sản, với giá nhà đất trải qua nhiều đợt tăng nóng trong năm 2017 và có thể tiếp tục tăng trong năm 2018 sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hưởng lợi lớn. Vốn FDI khá cao trong năm 2017 có thể tiếp tục duy trì trong năm 2018 nhờ kinh tế vĩ mô ổn định cũng giúp các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp cải thiện đáng kể việc kinh doanh.