Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

PV.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì hoàn thiện, trình Chính phủ trong quý I/2017 đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh  minh họa. Nguồn: Internet
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì hoàn thiện, trình Chính phủ trong quý I/2017 đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình là nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong điều hành và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị; chỉ được chi trong giới hạn dự toán chi ngân sách; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước ở từng ngành, địa phương và đơn vị cơ sở theo hướng tiết kiệm, loại bỏ các khoản mục chi chưa cần thiết, nâng cao hiệu quả từng khoản mục chi; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo chiếm khoảng 25% - 26% tổng chi ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Tiếp tục tái cơ cấu nợ công, tăng dần tỷ trọng cho vay lại trong cơ cấu vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho 02 ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm và kiểm soát chặt chẽ vay nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước.

Kiểm soát nợ trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội và kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Song song với đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì hoàn thiện, trình Chính phủ trong quý I/2017 đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan hoàn thành việc chuyển giao các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC trước tháng 12/2017.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước;

Có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; các doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.