Đề nghị đưa các nội dung cải cách tại Nghị quyết 19 vào luật
Cho biết Bộ Tài chính đang gặp nhiều thách thức trong triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị mạnh dạn đưa nhiều nội dung cải cách trong Nghị quyết vào các luật để tạo đột phá.
Chia sẻ tại hội nghị mới đây về triển khai Nghị quyết 19, Thứ trưởng Tuấn cho biết Bộ đang gặp thách thức trong việc hoàn thiện thể chế chính sách, mà thách thức lớn là rút ngắn khoảng cách giữa quy định và thực tiễn.
“Nếu cứ tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng thuế, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp ở mức 39,4% lợi nhuận như hiện nay, thì rất khó cho doanh nghiệp. Đây là thách thức lớn, nhưng không chỉ với Bộ Tài chính”, ông Tuấn nói.
Tỷ lệ 39,4% được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra trước đó, trong đó thuế là 14,5%, các khoản đóng bảo hiểm là 24,8%.
Ông Tuấn khẳng định tỷ lệ 14,5% của thuế là đã theo thông lệ quốc tế, giảm hơn nữa là rất khó. Tỷ lệ này ở các nước G20 là 30-32% với doanh nghiệp lớn, từ 20-25% với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Đông Nam Á, Singapore có mức thuế cạnh tranh nhất, thấp nhất là 7%, còn với các doanh nghiệp thông thường từ 15-17%. Trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tỷ lệ này.
“Vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ đóng bảo hiểm 24,5% và đang có xu hướng tăng lên theo luật, dự kiến đỉnh cao nhất vào năm 2018. Chúng tôi thấy rất cần báo cáo về tỷ lệ này để nhìn nhận, đánh giá, so sánh, sửa đổi cho phù hợp”, ông Tuấn chia sẻ.
Mặc dù Bộ Tài chính đã được đánh giá là đơn vị tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 19, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, song Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết 19 năm 2016 của Bộ đã được trình lên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Cần mạnh dan đột phá
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Nghị quyết 19 là kéo giảm thời gian thông quan, có trách nhiệm của 14 bộ ngành, trong đó theo tính toán, các thủ tục của Hải quan chiếm 28% thời gian thông quan.
Bộ Tài chính phấn đấu tới 2018 sẽ giảm một nửa thời gian thuộc phần phụ trách của Hải quan và đã có chương trình hành động rất cụ thể. Ông Tuấn bày tỏ “tin tưởng rằng với quyết tâm của Bộ trưởng và sự hỗ trợ của các Bộ, thì mục tiêu này có tính khả thi cao”.
Tuy nhiên, mục tiêu kéo giảm thời gian thông quan còn phụ thuộc rất nhiều vào 72% còn lại thuộc trách nhiệm của 13 Bộ quản lý chuyên ngành, liên quan đến 87 luật, nghị định và thông tư, trong đó hai văn bản mấu chốt là Luật An toàn thực phẩm và Luật về kiểm tra chất lượng hàng hóa chuyên ngành (đang dự kiến xây dựng). Hiện Bộ đã làm việc với các cơ quan liên quan về Luật về kiểm tra chất lượng hàng hóa chuyên ngành, nhưng dự kiến chỉ được trình và thông qua vào năm 2017-2018 và tới 2019 mới triển khai.
“Chúng tôi cho rằng cần mạnh dạn sớm đưa các quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 19 về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu vào nội dung 2 luật trên”, ông Tuấn đề nghị.
Cụ thể, làm rõ cái gì buộc phải kiểm tra tại cửa khẩu, cái gì được kiểm tra sau, tại cửa khẩu chỉ kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm với một số mặt hàng thiết yếu. Còn về hợp chuẩn, hợp quy, phải theo thông lệ quốc tế, tức là những mặt hàng đã được các nước Nhật Bản, G20… công nhận thì ta công nhận, thậm chí ta không chờ công nhận song phương mà công nhận đơn phương thì mới giải quyết được vấn đề, luật đã cho phép. Tương tự, không cần kiểm tra với những nguyên liệu nhập vào chỉ để gia công xuất khẩu đi các nước G7 nữa. Đây là những nội dung tại Nghị quyết 19.
“Nếu mạnh dạn đột phá thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị để tháng 10 trình Quốc hội, đưa những nội dung của Nghị quyết 19 thành nội dung của Luật, sửa đổi những điều chưa hợp lý. Chỉ như vậy mới giải quyết được 72% thời gian thông quan còn lại. Cũng như chúng tôi đã đề nghị và Quốc hội đã sửa cùng lúc 5 luật thuế, trước đây kê khai thuế hàng tháng thì sửa thành 3 tháng một lần, ngay lập tức giảm 2/3 số lần kê khai”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị.
Mặt khác, Bộ Tài chính hiện đã lên kế hoạch làm việc với 13 bộ liên quan để sửa đổi 87 văn bản nói trên. Bộ cũng đã thành lập Cục Kiểm định hải quan với nhân lực, trang thiết bị tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng là xác định đối tượng nào phải kiểm tra, hiện nay vẫn chủ yếu là định tính mà không định lượng, định danh rõ ràng, rất khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chẳng hạn có hàng vạn loại hóa chất, loại nào phải kiểm tra, loại nào không? Khâu này phải làm sớm, làm dứt điểm trong năm nay”, ông Tuấn nói.
Một vấn khác cũng rất quan trọng là xác định rõ những công việc nào nhà nước làm, những công việc nào mà nhà nước chỉ ban hành tiêu chuẩn, điều kiện để sau đó xã hội hóa, phân biệt rõ phí, lệ phí và giá dịch vụ. Chỉ như vậy mới thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 19 là giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện số lượng lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành là cực kỳ lớn. Hiện Việt Nam mỗi năm có khoảng 8,4 triệu lô hàng nhập khẩu, tỷ lệ kiểm tra là khoảng 30-35%, tức là gần 3 triệu lô hàng phải kiểm tra. “Phải làm rõ những lô hàng này nằm ở lĩnh vực nào, thuộc trách nhiệm của Bộ nào, từ đó mới quy được trách nhiệm”, Thứ trưởng đề xuất.