Đến năm 2020, số lượng xe công chỉ còn khoảng 10.000 chiếc
Tại buổi họp báo chuyên đề "Định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách xe ô tô công" do Bộ Tài chính tổ chức hôm 8/3/2017, đại diện Cục Quản lý Công sản cho biết, nhìn lại gần 2 năm triển khai Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về việc triển khai thực hiện quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước đã có nhiều chuyền biến tích cực.
Theo đánh giá của Cục Quản lý Công sản, việc triển khai thực hiện các quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg đã có tác động tích cực sau gần 2 năm Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, số lượng ô tô công còn lại là 34.214 chiếc. Trong đó, xe phục vụ các chức danh là 864 chiếc, công tác chung là 17.047 chiếc, xe chuyên dùng còn hơn 16.300 chiếc.
Tại các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô công hiện có theo định mức quy định, qua đó đã xác định được số xe ô tô được phép sử dụng của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; Số xe thừa, thiếu so với tiêu chuẩn, định mức.
Đồng thời, đã chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý, sử dụng xe ô tô và ban hành định mức xe ô tô chuyên dùng để có cơ sở trang bị, quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, đã giảm số lượng xe phục vụ công tác chung; Xử lý số xe dôi dư thông qua các hình thức điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước.
Bước đầu một số Bộ ngành, địa phương cũng đã và đang nghiên cứu áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công, đi đầu là Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, TP. Hà Nội...
Ngoài ra, theo Cục Quản lý Công sản, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên còn ít chức danh đăng ký áp dụng, một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm.Hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng xong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg.
Một nội dung đáng chú ý của dự thảo Quyết định này là sẽ thực hiện khoán kinh phí đối với các chức danh được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác từ Thứ trưởng trở xuống (thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập).
Cụ thể, những cán bộ này sẽ áp dụng hình thức nhận khoán kinh phí bắt buộc hàng tháng và tự bố trí phương tiện đi làm, cũng như khi đi công tác có thể được chọn hình thức bố trí xe sử dụng chung của đơn vị hoặc nhận kinh phí khoán theo hình thức tự nguyện.
Chi phí sử dụng xe sẽ được tính vào thu nhập, với mức 6,5 triệu đồng/người/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng giảm trên 20%.
Bộ Tài chính cho biết, nếu dự thảo được thông qua, dự kiến đến năm 2020 sẽ giảm được 30 - 50%, số lượng xe công chỉ còn khoảng 10.000 chiếc. Đối với xe phục vụ chức danh dự kiến giảm chỉ còn khoảng 200 xe, thay vì hơn 900 chiếc như hiện nay.