Dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen ăn uống của người dân Châu Á như thế nào?
Trong một nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng châu Á đang ăn ngoài ít đi và ở nhà nhiều hơn trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Theo trang SCMP, thói quen và quan niệm ăn uống của người dân châu Á đã có sự thay đổi trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
"Người tiêu dùng châu Á dường như không muốn trở lại thói quen thường xuyên ăn ngoài mà thay vào đó là thích mua đồ mang về và ăn ở nhà sau đại dịch Covid-19", một cuộc khảo sát trực tuyến được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy.
Khảo sát của Nielsen lấy ý kiến hơn 6.000 người đến từ 11 nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 17 tháng 3. Theo đó, tại Trung Quốc, 86% trả lời họ ăn tối ở nhà thường xuyên hơn khi dịch bệnh bùng phát, tiếp theo là Hồng Kông với 77%. Ở Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam con số đó đứng ở mức 62%.
Cuộc khảo sát nhấn mạnh sự thay đổi của thị trường bán lẻ, đặc biệt là đối với phân khúc thực phẩm và đồ uống. Các doanh nghiệp đang phải chống chọi để thích nghi khi người tiêu dùng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Đại dịch đã phát tán rất nhanh, ảnh hưởng đến 1,2 triệu người và cướp đi hơn 64.000 sinh mạng trên toàn cầu.
"Cuộc khủng hoảng Covid-19 chắc chắn đã thay đổi thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Tôi không tin rằng mọi người sẽ ngừng đi ăn ngoài, nhưng rõ ràng tác động của virus sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian nữa, và chúng tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục ăn nhiều hơn tại nhà trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong khi thái độ của người tiêu dùng ở các thị trường khảo sát đã thay đổi thì câu hỏi tiếp theo được đặt ra là khi nào sẽ trở lại bình thường? Câu trả lời có thể là sẽ không bao giờ", ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á thuộc Nielsen Connect, nhận định.
Mặt khác, khảo sát cũng cho thấy doanh số bán các sản phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ dùng vệ sinh,...) tăng ít nhất 20% mỗi tuần kể từ khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 1. Ông Ryan cho rằng người dùng đã chuyển từ xu hướng ăn uống bên ngoài sang xu hướng tiêu dùng an toàn tại nhà.
Trong tháng 3, DayDayCook, nền tảng nấu ăn đa phương tiện có trụ sở tại Hong Kong, đã chứng kiến số lượng người dùng tăng 50% so với tháng 1. "Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, xu hướng tiêu dùng liên tục thay đổi ở nhiều khu vực trên thế giới", bà Norma Chu, người sáng lập DayDayCook, cho biết.
Bà cho rằng người tiêu dùng đã giảm mạnh việc mua những thực phẩm không cần thiết. Lượt mua đồ ăn vặt và các loại hạt và thực phẩm đặc biệt đã giảm từ 73,38% xuống còn 21,98%. Việc mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như mì, gạo, dầu, đồ khô và gia vị tại thị trường Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 26,3% (trước khi dịch bệnh bùng phát) lên 67,69% hiện nay.
Deepika Chandrasekar, nhà phân tích nghiên cứu tại Euromonitor International, nói rằng quy định về giới hạn đi lại, cấm tụ tập đông người tại Singapore đã khiến các nhà hàng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay cả khi lượng đơn đặt hàng qua mạng ngày càng tăng nhưng phần lớn doanh thu của các nhà hàng là từ lượng khách đến ăn tại nhà hàng.
Jack Chuang, đối tác tại OC & C Strategologists cho rằng các nhà hàng nên hợp lý hóa danh mục các món ăn của họ, khi mọi người đã bắt đầu tự nấu bữa ăn tối tại nhà.
Đồng nghiệp của Jack, Veronica Wang nói thêm rằng, các cửa hàng bán lẻ nên suy nghĩ lại các mặt hàng chủ yếu của họ, thay đổi cơ cấu, định dạng dịch vụ cần thiết.
"Mặc dù việc giãn cách xã hội sẽ trở về bình thường trong tương lai gần, nhưng việc nấu ăn và ăn tối tại nhà sẽ không hoàn toàn biến mất. Việc nấu ăn và ăn tối cùng nhau cũng góp phần tăng các tương tác xã hội", ông Tuấn Phan, phó giám đốc tiếp thị, đổi mới và quản lý thông tin tại Đại học Hong Kong, nhận định.