Điểm nhấn tài chính - kinh tế quốc tế nổi bật tuần qua
Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại những thông tin tài chính - kinh tế quốc tế nổi bật trong tuần vừa qua (từ 07 - 11/08/2017).
Tháng 6/2017, Nhật Bản đạt thặng dư 934,6 tỷ JPY
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong 6 tháng đầu năm 2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên 10.510 tỷ JPY (95 tỷ USD), mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, do lợi nhuận cao hơn từ các khoản đầu tư nước ngoài. Trong tháng 6/2017, Nhật Bản đạt thặng dư 934,6 tỷ JPY, là tháng tăng liên tiếp thứ 36.
Về thặng dư thương mại của Nhật Bản giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2016 xuống còn 2.050 tỷ JPY. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,1% lên 37.300 tỷ JPY, kim ngạch nhập khẩu tăng 11,8% lên 35.250 tỷ JPY, do Nhật Bản tăng nhập khẩu dầu thô.
Chứng khoán châu Á giảm 1,26 điểm (-0,86%)
Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,26 điểm (-0,86%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (11/8/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số lần lượt là: Kospi (Hàn Quốc) giảm 39,76 điểm (-1,69%) xuống 2.319,71 điểm; Hang Seng (Hong Kong) giảm 560,49 điểm (-2,04%) xuống 26.883,51 điểm; Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 53,21 điểm (-1,63%) xuống 3.208,54 điểm;
Riêng chỉ số S&P/ASX 200 (Australia) có sự tăng 22,56 điểm (0,4%) lên 5.715,7 điểm; Nikkei 225 (Nhật Bản): Đóng cửa nghỉ lễ.
Lạm phát tại Hoa Kỳ sẽ tăng cao hơn trong trung hạn do đồng USD đang giảm mạnh
Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED chi nhánh New York William Dudley, lạm phát tại Hoa Kỳ sẽ tăng cao hơn trong trung hạn do đồng USD đang giảm mạnh sẽ làm tăng giá nhập khẩu và thị trường lao động thắt chặt sẽ tạo sức ép lên tăng trưởng tiền lương, tuy nhiên lạm phát sẽ không đạt được mục tiêu 2% của FED và tiếp tục chịu áp lực trong khoảng 6 - 10 tháng tới.