6 tháng đầu năm 2015:

Điểm nhấn trong công tác thu chi ngân sách nhà nước

PV.

(Taichinh) - Trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành những văn bản, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và tập trung triển khai các giải pháp về tài chính- NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường... Trong 6 tháng đầu năm 2015 công tác thu chi tài chính đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hình ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về thu ngân sách nhà nước

Trong bối cảnh những tháng đầu năm 2015 kinh tế chưa có sự tăng trưởng đột phá, hoạt động SX-KD của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn; giá dầu thô giảm mạnh so với mức giá xây dựng dự toán và diễn biến phức tạp khó lường,...do vậy, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015.

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao; ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN.

Đồng thời, tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong hệ thống Thuế và Hải quan về tầm quan trọng và các giải pháp để tăng cường quản lý thu, chống thất thu, hạn chế nợ đọng thuế, đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực thuế, hải quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Kết quả thu ngân sách: Dự toán thu NSNN cả năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 6 tháng ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó:

- Thu nội địa: ước đạt 328,18 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,2%), đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây (Cùng kỳ năm 2012 đạt 44,7% dự toán, tăng 0,8%; cùng kỳ năm 2013 đạt 43,3% dự toán, tăng 7,6%; cùng kỳ năm 2014 đạt 52,1% dự toán, tăng 18%). Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động SX-KD của các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ (Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (5,8%); doanh nghiệp thành lập mới tăng khá cả về lượng và vốn đăng ký (Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 45,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 282,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% về lượng và tăng 22,3% về vốn); tiêu dùng xã hội tăng; thị trường BĐS phục hồi tích cực;... góp phần tăng nguồn thu cho NSNN. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thu; đẩy mạnh việc chống thất thu thông qua công tác thanh tra, kiểm tra (Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra trên 29 nghìn doanh nghiệp, bằng 101,6% so với cùng kỳ năm 2014; số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 4,5 nghìn tỷ đồng, đã nộp NSNN trên 1,1 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 8,3 nghìn tỷ đồng), chống buôn lậu và gian lận thương mại; tăng cường xử lý nợ đọng thuế (Tính đến 31/5/2015, cơ quan Thuế đã thu được 18,9 nghìn tỷ đồng số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2014).

Ước tính có 52/63 địa phương thu đảm bảo tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên); tuy nhiên cũng còn một số địa phương thu đạt thấp. So cùng kỳ năm 2014, có 57/63 địa phương thu cao hơn, 6 địa phương thu thấp hơn.

- Thu về dầu thô: Luỹ kế thu 6 tháng đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2014. Giá dầu thanh toán bình quân 6 tháng đạt khoảng 60 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so giá tính dự toán.

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Lũy kế thu 6 tháng đạt 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT theo chế độ 45 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động XNK ước đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46% dự toán. Tổng kim ngạch XNK 6 tháng đầu năm ước đạt 159,25 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7%; nhập siêu khoảng 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù có sự gia tăng đáng kể về kim ngạch nhập khẩu, song chủ yếu tập trung vào nhóm hàng đầu vào của sản xuất có thuế suất thấp (linh kiện điện thoại, nguyên vật liệu dệt may, da giày...); kết hợp với sự giảm giá của mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, nên số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đến nay chưa đảm bảo được tiến độ dự toán (dưới 50% dự toán).

Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao một cách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện chi trong phạm vi dự toán được giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, cấp dưới, kịp thời khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng NSNN.

Trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2015. Trong đó, bên cạnh việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nhằm chủ động điều hành NSNN trong điều kiện giá dầu thô giảm thấp, Chỉ thị đề ra một số giải pháp về NSNN, như: tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách các cấp trong phạm vi 50% dự toán, dành nguồn để chủ động xử lý mất cân đối ngân sách trong trường hợp thu ngân sách giảm lớn... Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính- ngân sách; qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.

Kết quả chi NSNN: Dự toán chi NSNN cả năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 6 tháng đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó:

- Chi đầu tư phát triển: luỹ kế 6 tháng đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% dự toán, tăng 7,8% cùng kỳ năm 2014, trong đó: cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước đạt 59,7% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 56,9% dự toán... Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB, ước đến hết tháng 6 vốn giải ngân cho các dự án đạt 84,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán (cùng kỳ năm 2014 đạt 43,7% dự toán). Công tác giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ bước đầu đã có tiến bộ, lũy kế vốn giải ngân 6 tháng ước đạt 35% kế hoạch (cùng kỳ năm 2014 đạt 40,3% kế hoạch).

- Chi trả nợ và viện trợ: luỹ kế 6 tháng đạt 75,95 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2014, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.

- Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: lũy kế 6 tháng đạt 378 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% dự toán, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2014.

Về bội chi NSNN

Bội chi NSNN tháng 6 ước 27,25 nghìn tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng ước 99 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8% dự toán năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác điều hành NSNN vẫn còn những hạn chế cần khắc phục:

- Về thu NSNN: Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động SX-KD của doanh nghiệp; buôn lậu, gian lận thương mại để trốn lậu thuế... vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các trung tâm kinh tế.

Công tác quản lý thu có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt dẫn tới số nợ đọng thuế vẫn phát sinh, việc truy thu số thuế nợ đọng tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của cơ quan Thuế, tổng số nợ thuế của toàn ngành tính đến thời điểm 31/5/2015 là 72.500 tỷ đồng, tăng 5,1% so với thời điểm 31/12/2014, trong đó: Nợ khó thu là 11.600 tỷ đổng, chiếm tỷ trọng 16% tổng số tiền thuế nợ, tăng so với thời điểm 31/12/2014 là 2,1%. Nợ chờ xử lý là 2.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4% tổng số tiền thuế nợ, tăng so với thời điểm 31/12/2014 là14,9%; Nợ có khả năng thu là 42.920 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,2% tổng số tiền thuế nợ, tăng so với thời điểm 31/12/2014 là5,6%. Cơ quan thuế cần tích cực, chủ động khắc phục tình trạng này, kịp thời có biện pháp đôn đốc, thu vào NSNN các khoản nợ thuế.

- Chi NSNN vẫn còn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả; việc bố trí, sử dụng kinh phí dàn trải, sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức chi vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn, đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn.

- Năng lực phân tích dự báo tình hình và các yếu tố tác động đến thu- chi NSNN, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế xuất hiện nhiều yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính sẽ phấn đấu khắc phục dần các hạn chế kể trên để công tác thu chi NSNN hiệu quả hơn.