Cải cách hành chính để phát triển:
Điểm sáng trong cải cách hành chính thuế
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, các giải pháp cải cách hành chính của ngành thuế đã gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian.
Cảnh cải cách hành chính đang được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai mạnh mẽ, hiện nay ngành thuế đã cơ bản hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, các giải pháp cải cách hành chính của ngành thuế đã gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian đối với những thủ tục thuế mà hầu như hằng ngày, hằng tháng các doanh nghiệp đều gặp phải, để họ yên tâm tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Đại diện Cục thuế TP.HCM cho rằng, một trong những cải cách dễ nhìn nhận nhất đó là cải cách về mặt thể chế, chính sách hành chính thuế.
Những năm trước đây khi nói đến chính sách thuế, chính cơ quan thuế cũng cảm thấy lúng túng với quá nhiều vấn đề, hồ sơ, thủ tục khai thuế, tốn nhiều thời gian, do đó doanh nghiệp rất nặng nề trong việc làm các thủ tục về thuế.
Nhưng từ năm 2014 đến nay, có rất nhiều luật đã được sửa đổi, thậm chí một luật được sửa đổi nhiều lần nhằm đem lại thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Theo đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì hai luật thuế phổ biến nhất mà các doanh nghiệp thường xuyên gặp phải đó là: Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với thuế giá trị gia tăng, trước đây mỗi tháng doanh nghiệp phải lập một bộ hồ sơ khai thuế, gồm tờ khai và 5-7 phụ lục. Với mỗi bộ hồ sơ khai thuế được doanh nghiệp đến nộp như vậy, hằng tháng Cục thuế phải nhận cả 1gram giấy.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giảm bớt thời gian, thủ tục kê khai thuế đã sửa đổi, các doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 50 tỷ đồng trở lên khai theo tháng, còn doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng thì khai theo quý.
Đặc biệt là hồ sơ khai thuế rất đơn giản, chỉ còn một tờ khai, doanh nghiệp không phải làm phụ lục nữa và được lưu trữ trên văn phòng điện tử của doanh nghiệp.
Loại thuế phổ biến thứ hai đó là thuế thu nhập doanh nghiệp, trước đây hằng quý doanh nghiệp phải lập một tờ khai để nộp, cuối năm phải quyết toán, bây giờ doanh nghiệp không cần lập tờ khai hàng quý nữa, mà tự tính toán trong sản xuất kinh doanh của mình để tạm nộp hằng tháng, hằng quý và cuối năm chỉ nộp một lần.
Còn về mặt quản lý thuế, cả cơ quan thuế và doanh nghiệp đều áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Trước đây doanh nghiệp lập xong hồ sơ khai thuế phải trực tiếp mang hồ sơ nộp cho cơ quan thuế, vào những ngày cao điểm phải xếp hàng chờ đợi mất rất nhiều thời gian.
Thì nay bất cứ lúc nào, ở đâu chỉ cần kết nối internet, doanh nghiệp đều có thể gửi bộ hồ sơ khai thuế đến cơ quan thuế, không phải đến trực tiếp cơ quan thuế và chờ đợi.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế qua mạng. Ảnh: Hoàng Hùng–TTXVN
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM 100% doanh nghiệp đã nộp hồ sơ khai thuế qua mạng. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như chi phí về giấy tờ, in ấn…
Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM chia sẻ, là cơ quan thừa hành triển khai thực hiện các luật thuế, các thông tư về chính sách thuế do nhà nước ban hành, Cục thuế TP.HCM luôn sát cánh với các doanh nghiệp trong các hội nghị đối thoại để truyền tải nhanh những chính sách mới đã được sửa đổi, bổ sung để doanh nghiệp biết và thực hiện đúng.
Định kỳ hằng quý, Cục thuế đều phối hợp với các đơn vị tổ chức đối thoại để trực tiếp “lắng nghe”, tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp.
Và qua các hội nghị đối thoại đó, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng rất năng động, những chính sách được nhà nước ban hành đã được các doanh nghiệp áp dụng ngay vào thực tiễn. Từ đó, các doanh nghiệp đã phản ánh kịp thời những vướng mắc giúp cơ quan thuế phản ánh, báo cáo lên cơ quan thuế cấp trên kịp thời sửa đổi tạo những thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Những năm gần đây, công tác phối hợp giữa các ban ngành có cải thiện theo chiều hướng tốt lên, đặc biệt là giữa Cục thuế với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng thương mại…
Sự phối hợp này là nhân tố làm cho công tác cải cách TTHC theo Nghị quyết 19 đạt được những kết quả tích cực nhất định, làm giảm thời gian đến liên hệ trực tiếp với cơ quan nhà nước: kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, đăng ký kinh doanh – đăng ký thuế, hồ sơ liên quan đến nhà đất…
Từ cuối năm 2014 đầu năm 2015 Cục thuế TP.HCM đã áp dụng giải pháp nộp thuế điện tử, thông qua kết nối giữa Cục thuế với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký tài khoản với các ngân hàng, khi đến hạn nộp thuế các doanh nghiệp chuyển giấy nộp tiền đến tài khoản của ngân hàng và số tiền đó được tự động chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mà không cần đến nộp trực tiếp.
Tính đến cuối tháng 7/2016 số lượng doanh nghiệp đăng ký tài khoản thực hiện nộp thuế điện tử đạt hơn 96% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện nay Cục thuế TP.HCM cũng đang mở áp dụng thí điểm và tiếp tục mở rộng đó là hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hằng ngày có rất nhiều nghiệp vụ phát sinh phải lập hóa đơn, do đó rất nhiều rủi ro đến với doan nghiệp nếu hóa đơn đó không hợp pháp và việc chỉnh sửa, giải trình những vi phạm tốn rất nhiều thời gian.
Do đó, Cục thuế cũng đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tổ chức triển khai thí điểm hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký phát hành và đã xuất hóa đơn là 111 doanh nghiệp với tổng doanh thu đã xác thực là 6.115 tỷ đồng, tổng số thuế đã xác thực là 122 tỷ đồng.