Điểm tựa để người dân Hà Giang bám đất, bám rừng
Việc cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang đã và đang phát huy tác dụng, giúp người dân yên tâm sản xuất, giữ rừng, giữ đất.
Cấp phát hơn 12 nghìn tấn gạo
Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008- 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20/01/2009 với tổng kinh phí là 377,07 tỷ đồng và hỗ trợ lương thực là 12.896 tấn gạo từ nguồn DTQG; thời gan thực hiện dự án là 08 năm, từ năm 2008 đến hết năm 2015.
Qua 8 năm thực hiện chính sách, hơn 50 nghìn hộ dân ở 4 huyện vùng núi đá Hà Giang đã nhận khoán bảo vệ hơn 82.700 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng hơn 28.400 ha, trồng mới rừng hơn 17 nghìn ha. Đây là kết quả, là động lực và là niềm tin của người dân Hà Giang vào Đảng, Chính phủ để tiếp tục bám đất, bám rừng, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Vùng dự án gồm 68 xã, thị trấn thuộc 4 huyện vùng cao, núi đá tỉnh Hà Giang, gồm các huyện: Quản Bạ (17 xã, 01 thị trấn), Yên Minh (17 xã, 01 thị trấn), Đồng Văn (18 xã, 01 thị trấn), Mèo Vạc (17 xã, 01 thị trấn). Đối tượng hỗ trợ gạo áp dụng đối với các hộ gia đình, nhóm hộ tự nguyện đề nghị xin bảo vệ và khoanh nuôi rừng thuộc dự án.
Mức hỗ trợ: mỗi ha rừng được hỗ trợ bình quân 10kg gạo/ha/năm; cơ sở tính toán là 15 ha rừng tương ứng 05 người bảo vệ, mỗi người được hỗ trợ 10 kg gạo/tháng và hỗ trợ 03 tháng/năm.
Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời cho biết: Tổng số gạo hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 12.869 tấn; trong đó, năm 2008 là 1.593,7 tấn; năm 2009 là 1.573,1 tấn; năm 2010 là 1.666,6 tấn; năm 2011 là 1.700,4 tấn; năm 2012 là 1.719,3 tấn, năm 2013 là 1.555,4 tấn, năm 2014 là 1.537 tấn và năm 2015 là 1.546,9 tấn.
Đến hết năm 2015, Tổng cục đã triển khai xuất cấp đủ số lượng gạo dự trữ quốc gia cho địa phương theo đúng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của UBND tỉnh Hà Giang. Gạo dự trữ quốc gia xuất cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, kịp thời theo kế hoạch phân bổ của UBND tỉnh.Việc xuất cấp này thường được triển khai thành hai đợt trong năm (đợt 1 vào khoảng tháng 4 và tháng 5; đợt 2 vào khoảng tháng 11,12 hàng năm).
Khi gạo được giao tới tận tay bà con, ai cũng phấn khởi và bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Chính phủ. Anh Nùng Na, dân tộc Nùng, xã Cao Mã Pờ, huyện Quảng Bạ, tâm sự: Gần chục năm qua. nhờ tham gia dự án mà cuộc sống của gia đình tôi no ấm hơn. Nhất là vào những tháng giáp hạt, gia đình tôi lại có gạo của Nhà nước gửi tới nên không còn lo thiếu đói. Nhà nước không chỉ lo việc làm mà còn cho chúng tôi cả cái ăn…”
Nhân rộng và phát triển dự án
Đối với những cán bộ dự trữ được giao thực hiện nhiệm vụ này, những chuyến gạo giao tận tay cho người dân như thế luôn là công việc nặng nhọc, những chuyến đi vất vả gian khó, trên những cung đường đèo cao, vực sâu nguy hiểm... Song những cán bộ dự trữ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đem đến cho bà con ở Hà Giang những hạt gạo nghĩa tình.
Việc sử dụng nguồn lực DTQG để hỗ trợ nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả xã hội lớn. Khi người dân vùng cao được hỗ trợ gạo, có lương thực đủ ăn đã làm thay đổi tập quán của họ từ trước tới nay chỉ biết dựa vào rừng tự nhiên khai thác gỗ, củi phục vụ nhu cầu đời sống, đến nay đã biết trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên; thu hút được các hộ gia đình trên địa bàn huyện tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc chủ động hỗ trợ hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương kịp thời đã giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của, cũng như sớm khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, công tác nuôi trồng thủy hải sản, giúp địa phương ngăn ngừa sớm, dập dịch hiệu quả trên diện rộng bảo đảm ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định và phát triển kinh tế cho nhân dân.
Ngoài ra, người dân tham gia trồng và giữ rừng đã góp phần nâng độ che phủ rừng, phát huy chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và duy trì được nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Từ việc thực hiện dự án trồng rừng đã từng bước cải thiện môi trường sinh thái, thay đổi môi trường sống có lợi cho con người; hệ thống rừng được tạo lập sẽ tạo nên môi trường xanh, góp phần bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế.
Đặc biệt là hiệu quả về an ninh quốc phòng, dự án đã tạo vành đai xanh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Các chính sách hỗ trợ của Dự án làm cho đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, ổn định, góp phần hạn chế được tình trạng người dân vượt biên sang lao động tự do tại một số nước và gây mất trật tự trị an vùng biên.
“Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Dự án, đến nay tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá hiệu quả của Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao, núi đá phía bắc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008-2015. Theo đó, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 6 huyện vùng cao tỉnh Hà Giang (bổ sung 02 huyện: Hoàng Xu Phì và Xín Mần so với Dự án giai đoạn 2008-2015, trong đó tổng mức đầu tư gồm: Tổng nhu cầu vốn của Dự án khoảng 784.410 triệu đồng; Tổng số gạo hỗ trợ cho các hộ khoanh nuôi, bảo vệ rừng 17.024 tấn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã có ý kiến thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án, đồng thời đề nghị UBND Hà Giang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định”, ông Lê Văn Thời nói.
Qua 8 năm thực hiện chính sách, hơn 50 nghìn hộ dân ở 4 huyện vùng núi đá Hà Giang đã nhận khoán bảo vệ hơn 82.700 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng hơn 28.400 ha, trồng mới rừng hơn 17 nghìn ha. Đây là kết quả, là động lực và là niềm tin của người dân Hà Giang vào Đảng, Chính phủ để tiếp tục bám đất, bám rừng, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc. /.
Dự án đã giúp người dân bước đầu thực hiện khai thác và sử dụng hợp lý tiềm năng đất đai; nhờ hoạt động của dự án người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, được tập huấn, trang bị và áp dụng kỹ thuật phù hợp vào sản xuất lâm nghiệp; xây dựng được những khu rừng tập trung như tại xã: Đường Thượng, Sủng Cháng huyện Yên Minh, Lũng Táo huyện Đồng Văn, Khâu Vai huyện Mèo Vạc… ngoài ra các diện tích đất nhỏ lẻ không có rừng cũng được nhân dân tận dụng để trồng cây phân tán, trồng cỏ chăn nuôi gia súc.