Diễn biến “lạ” trên thị trường ngoại hối
Thay vì phải liên tục bán ra ngoại tệ để ‘tiếp sức” thanh khoản cho thị trường vào mùa cao điểm cuối năm, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm giá mua vào USD, đồng thời mua vào lượng lớn ngoại tệ.
Nghịch lý tín dụng tăng, tỷ giá giảm
Đầu tuần này, giá USD mua vào, bán ra tại các ngân hàng lại tiếp tục sụt giảm, kéo dài tuần giảm thứ tư liên tiếp. Theo đó, giá USD mua vào tại các ngân hàng chỉ còn dưới 22.700 đồng/USD và tương đương với mức giá được niêm yết đầu năm nay. Điều này trái ngược với các năm trước - tỷ giá thường nóng lên vào quý IV - khi nhu cầu ngoại tệ để thanh toán các đơn hàng của doanh nghiệp tăng lên.
Sự bất thường của thị trường ngoại tệ còn đến từ tín dụng. Năm nay, tín dụng tăng đột ngột so với các năm trước. Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tính đến hết tháng 9/2017, tín dụng ngoại tệ tăng khoảng 12-13%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng hơn 5%, trong bối cảnh huy động USD giảm do chính sách lãi suất tiền gửi 0% với USD.
Lý giải diễn biến lạ này, các ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục mua ròng ngoại tệ. Chính sách lãi suất 0% cùng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm thay đổi từng ngày, khiến tâm lý đầu cơ tỷ giá giảm hẳn, một lượng không nhỏ USD đã chảy vào hệ thống ngân hàng, giúp thanh khoản ngoại tệ hệ thống dồi dào hơn trước.
Từ đầu năm đến nay, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn dự kiến, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng cao. Cụ thể, tính tới ngày 27/9, giải ngân FDI đạt 12,5 tỷ USD, giải ngân ODA và kiều hối tăng mạnh, xuất siêu 330 triệu USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư…
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào lượng ngoại tệ kỷ lục là 6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia đạt mức kỷ lục 45 tỷ USD. Đáng mừng là dù đã chi ra hàng trăm ngàn tỷ đồng để tăng dự trữ ngoại hối, song nhờ lượng tín phiếu được phát hành liên tục để hút tiền đồng nên lạm phát vẫn được kiềm chế.
Đánh giá chung về tỷ giá giảm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế bình luận, việc USD giảm giá một phần do ảnh hưởng của đồng bạc xanh trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy các chính sách quản lý ngoại tệ của NHNN phát huy tác dụng. Điều này cũng thể hiện sự nhanh nhạy của NHNN trong việc dự phòng với các yếu tố rủi ro tỷ giá vẫn đang nằm ở phía trước.
Cần kiểm soát tín dụng ngoại tệ
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây nhận định, mức độ tăng của tỷ giá ngoại tệ cả năm 2017 sẽ chỉ ở mức từ 1 - 2%. Theo BVSC, việc NHNN giảm giá USD mua vào có thể là tín hiệu NHNN đang tạo cung giá thấp hơn trần để bình ổn thị trường phòng khi có biến động lớn.
Một vấn đề khác được các chuyên gia cảnh báo, chính là tốc độ tăng trưởng của tín dụng ngoại tệ. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang đổ xô cho vay ngoại tệ bởi lợi nhuận từ cho vay ngoại tệ lớn hơn nhiều cho vay tiền đồng. Vì vậy, dù hiện tại ngoại tệ trong hệ thống đang dồi dào, song nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục được duy trì trong khi lãi suất huy động USD vẫn áp dụng 0%, rất có thể rủi ro thanh khoản sẽ trở lại.
Hiện tại, NHNN đang quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đô la hóa nền kinh tế, trong đó có giải pháp áp dụng lãi suất huy động 0%. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, với thực trạng của nền kinh tế Việt Nam, nên chấp nhận duy trì tỷ lệ đô la hóa nền kinh tế ở mức độ chấp nhận được. Theo đó, NHNN nên cho phép áp dụng lãi suất huy động trở lại với USD, vừa để huy động vốn ngoại tệ trong dân cư phục vụ nền kinh tế, vừa giúp thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn.