Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả
Song song với nhiệm vụ thu ngân sách, công tác chi ngân sách nhà nước đang được Bộ Tài chính điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo các nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, trả nợ gốc các khoản vay đến hạn, xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh ngoài dự toán và dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương.
Chi ngân sách bằng 37,9% dự toán
Cùng với quản lý thu ngân sách nhà nước hiệu quả, chi ngân sách nhà nước cũng được Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ. 6 tháng đầu năm 2024, ngành Tài chính triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm của các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ. Cùng với đó là thúc đẩy việc giao vốn và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, chi ngân sách nhà nước ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển 6 tháng ước đạt 196,7 nghìn tỷ đồng, bằng 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (18,9 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (có 12/44 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước). Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam, Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tỉnh: Thanh Hóa, Tiền Giang, Phú Thọ, Long An, Đồng Tháp, Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp, như: Văn phòng Chính phủ, Viện Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội...; hoặc chưa giải ngân (tỷ lệ 0%) như: Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, do chưa phân bổ kế hoạch vốn. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên.
Bên cạnh chi đầu tư, chi trả nợ lãi 6 tháng ước đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Chi thường xuyên 6 tháng ước đạt 551 nghìn tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán, đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 16,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Về sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, lũy kế số đã chi 6 tháng đầu năm khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ cho các địa phương; kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đúng thẩm quyền, xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.
Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi
Có thể nói, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực cân đối ngân sách trung ương, đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo dự toán, trả nợ gốc các khoản vay đến hạn, xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh ngoài dự toán và dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo quy định.
6 tháng cuối năm 2024, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trong đó, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao đầu năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và cắt giảm dự toán chi thường xuyên đã giao đầu năm cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng chưa phân bổ (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép) theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tham vi chức năng nhiệm vụ, Bộ Tài chính tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài... Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 tương ứng với số vốn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đến ngày 15/5/2024.
Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định.