Định hướng cải cách xuyên suốt Kho bạc Nhà nước đặt ra đến năm 2030
Dự thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021 - 2030 được đặt ra với mục tiêu tổng quát là xây dựng KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 03 trụ cột phát triển chính. Trên cơ sở đó, KBNN đã đề ra một số định hướng cải cách và giải pháp xuyên suốt cho quá trình thực hiện Chiến lược.
Định hướng phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, KBNN đã phối hợp cùng với các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (Worl Bank) xây dựng các định hướng phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 với các quan điểm:
Một là, kết hợp giữa kế thừa, đổi mới và phát triển; gắn hiện đại hóa, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin với đổi mới mô hình tổ chức;
Hai là, triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, hiện đại hóa công nghệ thông tin, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực;
Ba là, lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá để thúc đẩy cải cách, cơ chế chính sách là nền tảng, tạo động lực cho sự cải cách, hiện đại hóa;
Bốn là, các cải cách, hiện đại hóa hoạt động KBNN phải hướng tới các thông lệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực về quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý ngân quỹ, báo cáo tài chính nhà nước, kiểm toán nội bộ…
Năm là, cải cách, hiện đại hóa các hoạt động KBNN phải được đặt trong bối cảnh chung và phải phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Chiến lược phát triển ngành tài chính giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Theo đó, Dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 được đặt ra với mục tiêu tổng quát là xây dựng KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để thực hiện tốt các chức năng quản lý quỹ NSNN; quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn cho NSNN và tổng kế toán nhà nước dựa trên 03 trụ cột phát triển chính: Nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ; Tổ chức bộ máy thống nhất theo mô hình kho bạc khu vực, hướng tới mô hình kho bạc 2 cấp. Đến năm 2030, hình thành “kho bạc số”, gắn hiện đại hóa các chức năng của kho bạc với đổi mới mô hình tổ chức hoạt động KBNN, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới...
Một số định hướng cải cách đặt ra trong giai đoạn mới
Trên cơ sở đó, KBNN đề một số định hướng cải cách chủ yếu cho giai đoạn tới như sau:
Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quỹ NSNN thông qua việc gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán NSNN trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử và hoàn thiện khung kiểm soát chi NSNN. Điện tử hóa các giao dịch thu, chi NSNN nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao tốc độ xử lý giao dịch, đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực.
Hai là, huy động vốn cho NSNN phù hợp với mục tiêu của các chiến lược, kế hoạch, chương trình quản lý nợ công và kế hoạch vay nợ của Chính phủ, đảm bảo việc huy động hiệu quả và với chi phí tối ưu, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu chính phủ. Quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; sử dụng hiệu quả nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Ba là, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin tài chính – NSNN, phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và người dân.
Bốn là, xây dựng và hoàn thiện nền tảng kho bạc số, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của KBNN; phát triển kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.
Năm là, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hiện đại hóa tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình kho bạc khu vực, từng bước hướng tới mô hình kho bạc 02 cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ KBNN các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo hệ thống KBNN hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.