Doanh nghiệp bán lẻ nội địa: Chậm chính sách, thiếu chiến lược

Theo daibieunhandan.vn

Phân phối, bán lẻ, cung cấp sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng là khâu quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Đối với thị trường nội địa, nhược điểm của chúng ta là thiếu chính sách và quan điểm phát triển một cách minh bạch, rõ ràng. Nguồn: internet
Đối với thị trường nội địa, nhược điểm của chúng ta là thiếu chính sách và quan điểm phát triển một cách minh bạch, rõ ràng. Nguồn: internet

Đặc biệt, khi nước ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng với việc giảm thuế của hàng nghìn mặt hàng về mức 0-5%, và sự luân chuyển hàng hóa khá dễ dàng trong 10 nước nội khối cho thấy thách thức không nhỏ không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, mà ngay chính các doanh nghiệp phân phối, các nhà trung chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất tới tay người tiêu dùng.

Nỗi buồn đầu tiên, lớn nhất và có lẽ cũng là lâu dài nhất của các nhà phân phối, bán lẻ Việt Nam là địa điểm, địa thế, mặt bằng - diện tích đất đai để tạo lập cơ sở kinh doanh dịch vụ phân phối hàng hóa. Những “mặt tiền” đẹp, rộng rãi và có lợi thế tiếp xúc khách hàng ở trung tâm các tỉnh, thành phố, quận, huyện… luôn là “niềm mơ ước” của các nhà phân phối, bán lẻ nội địa từ hàng chục năm nay. Nhưng, khó khăn không chỉ dừng lại ở đó.

Ngay cả những doanh nghiệp có được những địa thế đẹp, các “khu đất vàng”, trung tâm bán lẻ có tiếng từ các doanh nghiệp quốc doanh sau khi được cổ phần hóa, chuyển thành tư nhân hóa… thì những cuộc bắt tay, liên doanh, liên kết với “khối ngoại” cũng đã ít nhiều thu hẹp thị phần phân phối sản phẩm hàng hóa tiêu dùng “made in Việt Nam”.

Và, mặc dù các đại siêu thị như Metro Cash & Carry chuyên bán buôn, hay nhà bán lẻ lớn Big C, rồi Family-mart của Tập đoàn Phú Thái… luôn khẳng định “ưu tiên” phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng, những quan sát cho thấy, nơi trưng bày “dễ bắt mắt” nhất lại là các sản phẩm của Thái Lan - nhà đầu tư lớn vào các chuỗi siêu thị này.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, lợi thế cạnh tranh là quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính là chất lượng sản phẩm hàng hóa và phong cách phục vụ của doanh nghiệp Việt còn yếu hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đối với thị trường nội địa, nhược điểm của chúng ta là thiếu chính sách và quan điểm phát triển một cách minh bạch, rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển hệ thống phân phối nội địa.

Vấn đề này cân đối với đầu tư nước ngoài. Việc chúng ta mở cửa xuất khẩu thì cũng mở cửa thị trường nội địa. Mà khuyến khích phát triển thị trường nội địa là mảng phân phối nội địa. Hiện nay các mạng phân phối đang thay các chợ truyền thống, mặc dù hiện nay chỉ mới chiếm 25% thị phần thương mại nội địa, nhưng xu hướng này sẽ phát triển rất nhanh và sẽ tác động mạnh tới sản xuất, bởi các hệ thống phân phối, mạng phân phối sẽ là nơi đặt hàng cho sản xuất.

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khi khẳng định về tính liên kết của doanh nghiệp Việt còn quá yếu, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú còn chỉ ra những điểm yếu căn bản khác của doanh nghiệp Việt Nam, đó là: thiếu chiến lược kinh doanh, vốn nhỏ và nguồn nhân lực hạn chế. Không chỉ vậy, còn quá nhiều loại chi phí đẩy giá thành sản phẩm hàng hóa lên cao dẫn đến khó có khả năng cạnh tranh.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Phạm Đình Đoàn, không chỉ còn nhiều khó khăn từ nội tại các nhà kinh doanh bán lẻ mà còn nhiều yếu kém trong việc phân phối các sản phẩm nội địa - sản xuất trong nước cũng gặp khó khăn do chính các nhà sản xuất trong nước chưa ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối, chưa quan tâm tới vấn đề marketing, xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, cùng với những hỗ trợ từ phía Nhà nước thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần coi trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu song hành với nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh: “trong việc hoạch định, xây dựng các doanh nghiệp phân phối bán lẻ, chúng ta cũng nên thảo luận cởi mở giữa Nhà nước và các doanh nghiệp lớn để tránh tình trạng “quân ta đánh quân mình”, nhiều doanh nghiệp trong nước tự “đánh nhau”, cạnh tranh không lành mạnh… để rồi tất cả đều yếu, đến khi yếu thì sẽ thua thiệt với các doanh nghiệp nước ngoài khi họ vào thị trường nước ta”.

Hệ thống phân phối có tầm quan trọng, cùng với hình ảnh, mẫu mã thương hiệu… nó tạo nên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, là con đường đi ngắn nhất tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho dù hệ thống phân phối có hiện đại đến đâu, nhưng chất lượng sản phẩm không bảo đảm thì chắc chắn cũng sẽ không được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy, sự bắt tay liên kết, vào cuộc của cả doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối mới giúp cho người Việt Nam ưu tiên và tự nguyện sử dụng hàng Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập ngày càng gay gắt.