Doanh nghiệp cần có kịch bản đối phó với khó khăn kéo dài
Nỗi lo dịch bệnh tiếp tục lan rộng và các lệnh phong tỏa có thể đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ thấp và thử thách nguồn cung hàng hoá.
6 lời khuyên của Sequoia Capital
Trước khó khăn không thể lường trước từ dịch Covid-19, quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là Sequoia Capital có 48 năm hoạt động và sở hữu 3.300 tỷ USD đã gửi thư tới các chủ doanh nghiệp và tổng giám đốc (CEO), khuyên họ tìm cách vượt qua sự kiện “thiên nga đen”.
Một là, tiền dự trữ. Doanh nghiệp có thực sự còn nhiều tiền dự trữ không? Doanh nghiệp có thể chịu được một vài quý đi xuống trong khi cả nền kinh tế không tăng trưởng không?
Doanh nghiệp đã thực hiện một kế hoạch dự phòng hay chưa? Có thể cắt giảm chi phí ở đâu mà không tổn hại cơ bản tới doanh nghiệp?
Ðặt những câu hỏi này ngay bây giờ để tránh những hậu quả có thể gây đau đớn trong tương lai.
Hai là, gây quỹ. Tài chính tư nhân có thể giảm đáng kể, như đã xảy trong trong năm 2001 và năm 2009. Doanh nghiệp sẽ làm gì nếu điều khoản thu hút quỹ gặp khó trong năm 2020 và năm 2021?
Doanh nghiệp có thể biến một tình huống đầy thách thức thành một cơ hội để thiết lập cho mình thành công lâu dài không?
Theo Sequoia Capital, nhiều công ty mang tính biểu tượng nhất đã được rèn giũa và định hình trong thời kỳ khó khăn nhất.
Quỹ đã hợp tác với Cisco ngay trong thứ Hai đen tối 1987. Google và PayPal đã vượt qua khủng hoảng cổ phiếu công nghệ (Dot-com).
Gần đây, Airbnb, Square và Stripe được thành lập ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những khó khăn sẽ giúp doanh nghiệp tập trung tâm trí và cung cấp cơ hội cho sự sáng tạo.
Ba là, dự báo doanh số. Ngay cả khi không nhìn thấy ảnh hưởng trực tiếp hoặc ngay lập tức tới doanh nghiệp, nhưng khách hàng có thể thay đổi thói quen chi tiêu.
Giao dịch tưởng chừng chắc chắn vẫn có thể không thực hiện được, hoặc không thực hiện một cách dễ dàng.
Bốn là, tiếp thị. Tình trạng giảm doanh số cho thấy, số lượng khách hàng đã giảm, doanh nghiệp cần phải có giải pháp tăng lượng khách hàng, bao gồm tăng chi cho tiếp thị.
Năm là, nhân sự. Với tất cả nỗi lo lắng về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đây có lẽ là thời điểm để ban lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá nghiêm túc xem các nhân sự có thể làm nhiều hơn hay không nhằm tăng năng suất lao động.
Sáu là, vốn chi tiêu. Doanh nghiệp cần kiểm tra xem kế hoạch chi tiêu có hợp lý trong môi trường không chắc chắn hay không.
Ðược biết, Seqouia Capital hiện đầu tư vào 250 công ty ở Mỹ, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Israel. Ước tính, quỹ này sở hữu tổng vốn 3.300 tỷ USD tại các công ty tư nhân và niêm yết.
Các thương vụ đầu tư thành công như Apple, Google, Oracle, Linkedln, Bird, YouTube, Instagram, Yahoo, WhatsApp...
Năm 2020 nhiều thách thức
Dịch Covid-19 là một hiện tượng “thiên nga đen” năm 2020. Nhiều ý kiến hy vọng, tình hình sẽ sớm được cải thiện, nhưng các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho kịch bản khó khăn hơn sẽ xảy ra.
Trong khủng hoảng, có những doanh nghiệp trụ vững, thậm chí có các cơ hội phát triển mới, nhưng nhiều công ty tại các nước có dịch sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Dễ nhận thấy nhất là hoạt động kinh doanh sụt giảm. Có cơ sở để cho rằng, không ít doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh trong giai đoạn từ tháng 12/2019 tới nay.
Thậm chí, các công ty đang hoạt động tốt cũng có nguy cơ không đạt được kế hoạch quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch.
Quý I sắp kết thúc, trong khi dịch vẫn có diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, Italy vừa xác định được 4 biến chủng nCoV trên các bệnh nhân nước này, khác với chủng virus được xác định tại Vũ Hán (Trung Quốc) - có 2 biến chủng.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc tháng 12/2019 nhưng đến nay đã xuất hiện tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong quý II.
Trung Quốc được ví là “công xưởng của thế giới”, nơi đặt nhà máy sản xuất của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Tình trạng đóng cửa hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, dịch Covid-19 đã được nước này kiểm soát tốt, các nhà máy đang dần mở cửa trở lại, nhưng biện pháp hạn chế di chuyển khiến các nhà máy, công xưởng khó có thể hoạt động hết công suất và việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh vừa tuyên bố, tất cả người nước ngoài tới thành phố sẽ bị cách ly 14 ngày nhằm ngăn tình trạng “ngoại nhập” nCoV.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, toàn bộ các chuyến đi từ châu Âu đến Mỹ và ngược lại sẽ bị dừng trong 30 ngày tới, kể từ nửa đêm 13/3, trừ nước Anh, để ngăn các ca nhiễm Covid-19 mới.
Ðáng lưu ý, nhiều nước khác đang trở thành điểm nóng về dịch như Italy, Iran… Trong đó, ngày 9/3, Italy đã phải ban lệnh phong tỏa toàn quốc, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch.
Nỗi lo dịch bệnh tiếp tục lan rộng và các lệnh phong tỏa có thể đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.
Ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc Phòng Chiến lược và Toàn cầu hóa, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định, gần như chắc chắn châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới.
Ở góc độ nhà đầu tư, Seqouia Capital quan ngại, có thể mất thời gian tính bằng quý để thế giới kiểm soát được dịch Covid-19 và mất nhiều thời gian hơn nữa để nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ thấp và thử thách nguồn cung hàng hoá. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, nhằm giảm bớt hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Với các doanh nghiệp, Seqouia Capital chia sẻ, Quỹ đã trải qua nhiều cuộc suy thoái trong kinh doanh gần 50 năm qua và học được một bài học quan trọng. Không ai hối tiếc khi thực hiện các điều chỉnh nhanh chóng và quyết đoán để thay đổi hoàn cảnh.
Trong thời kỳ suy thoái, doanh thu và tiền mặt luôn giảm nhanh hơn chi phí. Như Darwin đã nói: “Những người sống sót sau cùng không phải là người mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là người dễ thích nghi nhất để thay đổi”.
Một đặc điểm của các công ty trụ vững lâu dài là cách mà nhà lãnh đạo của họ phản ứng với những khoảnh khắc như thế này. Sự lạc quan sai lầm có thể dễ khiến lãnh đạo doanh nghiệp lạc lối và không thực hiện các kế hoạch dự phòng.