Doanh nghiệp châu Âu mong muốn đầu tư vào chuyển đổi số, tăng trưởng xanh của Việt Nam

Trần Huyền

Sáng ngày 14/2/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có cuộc làm việc với Phái đoàn Kinh doanh EU-ABC do ông Jens Ruebbert - Phó Chủ tịch, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg (LBBW), Trưởng đoàn Hội đồng Kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ABC) và ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson đồng Trưởng đoàn.

Toàn cảnh cuộc làm việc.
Toàn cảnh cuộc làm việc.

Chào đón phái đoàn tới thăm và làm việc với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU thời gian qua đã có bước phát triển tốt, đạt hiệu quả cao. Các nhà đầu tư từ châu Âu đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, nhiều dự án có hiệu quả lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ giúp đỡ cộng đồng kinh tế, trong đó có châu Âu cũng như những nỗ lực trong điều hành, Việt Nam đã ngăn chặn được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau đại dịch, Việt Nam tập trung phục hồi kinh tế. Năm qua, Việt Nam đã thực hiện đồng loạt các giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân như: Giãn, giảm, miễn thuế 233 nghìn tỷ đồng; giảm thuế môi trường với xăng dầu xuống mức tối thiểu; miễn giảm 37 khoản phí, lệ phí; tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành gói kích cầu kinh tế trị giá 347 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp với 40.000 tỷ đồng...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong muốn doanh nghiệp châu Âu tiếp tục quan tâm, đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong muốn doanh nghiệp châu Âu tiếp tục quan tâm, đầu tư vào Việt Nam.

Nhờ đó, năm 2022, Việt Nam đã đạt kết quả quan trọng, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 28%; xuất siêu 11,2 tỷ USD; nợ công gần 39%GDP thấp hơn nhiều ngưỡng Quốc hội cho phép; bội chi ngân sách dưới 4%, dưới ngưỡng cho phép; CPI 3,41%, dưới 4% Quốc hội giao...

Nhìn chung, năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra. Năm 2023, nhận diện những khó khăn, thách thức từ thế giới cũng như trong nước, Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp vượt qua khó khăn, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng khoản 6,5%.

Chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế xanh, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng như: gió, mặt trời, hạn chế tối đa nhiệt điện than, thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, hiệu ứng nhà kính... Chính phủ Việt Nam cũng đã tham gia vào COP 26, do đó, việc thực hiện nhiệm vụ này được Việt Nam triển khai quyết liệt. Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và phân bổ ngân sách cho mục tiêu này một cách phù hợp và huy động các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng mong muốn phái đoàn cũng như các doanh nghiệp EU luôn ủng hộ, đầu tư có hiệu quả ở Việt Nam. Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thông quan cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ông Jens Ruebbert và ông Alain Cany đồng trưởng đoàn Phái đoàn Kinh doanh EU-ABC.
Ông Jens Ruebbert và ông Alain Cany đồng trưởng đoàn Phái đoàn Kinh doanh EU-ABC.

Đánh giá cao những chia sẻ của Bộ trưởng, ông Jens Ruebbert - Phó Chủ tịch, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng LBBW, Trưởng đoàn Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN cảm ơn Bộ trưởng và Bộ Tài chính đã dành thời gian tiếp đoàn.

Ông Jens Ruebbert chúc mừng Bộ Tài chính và Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực và thành công khi ứng phó với dịch COVID-19, phát triển kinh tế trong năm 2022 và có mục tiêu trong năm 2023.

Giới thiệu phái đoàn tham dự cuộc làm việc với hơn 60 người đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu, ông Jens Ruebbert nhấn mạnh, doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và coi đây là thị trường rất quan trọng.

Theo ông Jens Ruebbert, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU thời gian qua rất phát triển, dấu mốc quan trọng là ký kết Hiệp định EVFTA. Trong điều kiện và bối cảnh căng thẳng thời gian qua, EU tái xác định ASEAN là khu vực sẽ tăng cường và chuyển hướng đầu tư và Việt Nam là nước EU coi trọng đầu tư hàng đầu.

"Việt Nam đã có tham vọng lớn khi cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 50 cũng như mục tiêu chuyển đổi số. Đây là các lĩnh vực doanh nghiệp châu Âu có thể tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam." - ông Jens Ruebbert nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, cuộc làm việc này là cuộc họp đầu tiên của phái đoàn. Việc Hội đồng kinh doanh tổ chức đoàn công tác đầu tiên trong năm 2023 đến Việt Nam là minh chứng cho thấy ưu tiên hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như: Chuyển đổi số; Đổi mới cải cách trong thuế quốc tế đặc biệt là việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu; Hiện đại hóa, tăng cường phát triển ổn định thị trường vốn; Phát triển kinh tế xanh. Phái đoàn Kinh doanh EU-ABC bày tỏ mong muốn được hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này.