Doanh nghiệp được lợi gì từ TFA?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên, với tên gọi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA), đã được 112/164 thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) bỏ phiếu thông qua ngày 22/2 vừa qua. Việc thực thi TFA được kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam hưởng lợi, nhất là khâu cải tiến thủ tục hải quan.

TFA sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
TFA sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TFA của WTO được đánh giá là cơ hội đặc biệt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), không kể quy mô trong hoạt động thương mại xuyên biên giới với thời gian nhanh hơn và chi phí ít hơn.

Với hơn 2/3 thành viên WTO bỏ phiếu ủng hộ TFA, các quốc gia cam kết thực hiện một loạt cải cách nhằm giảm bớt các thủ tục quan liêu tại khu vực cửa khẩu, từ những biện pháp về giải phóng hàng hóa đến tăng cường hợp tác giữa các cơ quan kiểm soát biên giới. Nếu được thực hiện đầy đủ, TFA dự kiến sẽ giúp giảm chi phí thương mại trung bình 14,3%.

Dòng chảy hàng hóa

Như chia sẻ của Tổng Giám đốc WTO – ông Roberto Azevedo, TFA là sự cải tổ lớn nhất của thương mại thế giới trong thế kỷ này. TFA sẽ giúp giảm thời gian nhập khẩu hàng hóa thêm 1,5 ngày và thời gian xuất khẩu thêm gần 2 ngày, dự kiến sẽ giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm hơn 14% và có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 0,5 điểm phần trăm/năm.

Điểm đáng chú ý là những nước kém phát triển nhất thế giới sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ TFA. Các nước nghèo hơn dự kiến sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất từ TFA thông qua các điều khoản giúp hàng hóa của họ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các nước giàu hơn.

Theo thỏa thuận TFA vừa được thông qua, các nước thành viên WTO nhất trí đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục hải quan (TTHQ) để tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa lưu thông trên toàn cầu.

Cụ thể, TFA sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu, đồng thời tăng hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật.

Vậy, các DN ở Việt Nam sẽ được lợi gì từ TFA và có thể làm gì để hiện thực hóa TFA?

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách Thương mại Quốc tế Trung tâm WTO – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nội dung TFA là tiêu chuẩn để cải cách và việc thực thi TFA là sức ép để cải cách.

Về phía DN, ông Huỳnh cho rằng, đối với TFA, DN phải biết quyền lợi, phát hiện và lên tiếng, hợp tác để hiện thực hóa. Trước hết, có thể thấy những lợi ích từ cải cách TTHQ.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu giảm một ngày trong TTHQ sẽ tiết kiệm cho DN 1,6 tỷ USD. Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc giảm bớt TTHQ sẽ giúp cắt giảm 2,8% chi phí thương mại đối với những nước thu nhập trung bình khá, 2,2% đối với các nước thu nhập trung bình thấp.

Sức ép cải cách thủ tục

Cũng theo ông Trần Hữu Huỳnh, với TFA, cách thức, lộ trình thực hiện cải cách TTHQ được định hình rõ. Cải cách TTHQ là sức ép cộng từ nhu cầu tự thân và yêu cầu cam kết quốc tế. Đó là sức ép về tiêu chuẩn, về cách thức thực hiện và về thời hạn hoàn thành.

Trong năm 2016, khi phái đoàn cấp cao về hỗ trợ kỹ thuật từ Hoa Kỳ đến Việt Nam để thảo luận về vấn đề TFA, ông Norman Schenk, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách hải quan toàn cầu và Đối ngoại của UPS, có lưu ý rằng với Việt Nam, càng nhiều thuận lợi thương mại, càng tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

Ông Schenk nhấn mạnh điều đó vô cùng quan trọng với DN Việt Nam khi chất lượng sản phẩm xuất khẩu đã được đánh giá rất tốt. Vấn đề là ngành hải quan và các dịch vụ hải quan cần có tính ổn định và độ tin cậy nhiều hơn.

Theo quan điểm của ông Raul Perales, Phó Giám đốc Liên minh Toàn cầu về Thuận lợi hóa thương mại thuộc Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân quốc tế (CIPE), sự hợp tác giữa Chính phủ và DN giữ vai trò quan trọng thúc đẩy mạnh vấn đề này trong thuận lợi hóa thương mại, nhất là giới DN tư nhân có chuyên môn và công cụ để cải thiện thương mại toàn cầu.

Dành lời khuyên cho Việt Nam, giới chuyên gia nhấn mạnh rằng việc hợp tác giữa Chính phủ và DN sẽ đóng vai trò quan trọng chiến lược trong việc cải cách hướng tới thuận lợi hóa thương mại.

TFA khuyến khích các quốc gia thành viên của WTO hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân trong quá trình triển khai hiệp định, trong đó có việc thành lập một ủy ban thuận lợi hóa thương mại quốc gia.

Các DN trong nước và nước ngoài có thể hỗ trợ Chính phủ bằng cách nhận biết những thách thức và cơ hội trong nước để tăng cường gắn kết dịch vụ logistic và thương mại với chuỗi giá trị toàn cầu. Khu vực tư nhân cũng có thể đóng góp chuyên môn kỹ thuật và nguồn lực để hỗ trợ các nỗ lực cải cách.

Tuy nhiên, nỗ lực trong việc vận động cộng đồng DN cho đến nay vẫn mang tính đơn lẻ và nhận thức của DN Việt Nam về TFA còn hạn chế. Để phát huy tiềm năng của TFA, rất cần thu hút sự tham gia của cộng đồng DN. Muốn vậy, cần cơ quan quản lý tạo ra nhu cầu và các hoạt động hỗ trợ xuyên suốt cho quá trình cải cách thuận lợi hóa thương mại.

Về phía DN Việt Nam, dựa trên tiêu chí TFA, các DN cần phát hiện những quy định chưa phù hợp với TFA cũng như những vấn đề làm hạn chế hiệu quả của TFA.

Ngoài ra, các DN cũng cần phản ánh theo cơ chế TFA với các cơ quan trực tiếp thực hiện TTHQ (hải quan, quản lý chuyên ngành), các cơ quan giám sát, điều hành (Chính phủ, Quốc hội) và các tổ chức đại diện DN (VCCI, các hiệp hội,…)

Từ đó, các DN đưa ra những sáng kiến theo TFA như đề xuất cách thức giải quyết bất cập và tạo sức ép bằng TFA thông qua các tiêu chuẩn, thời hạn hoàn thành cải cách TTHQ.