Doanh nghiệp, hợp tác xã tăng tốc nâng cao năng suất, chất lượng
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã (HTX) tại không ít địa phương trên cả nước đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính, mở rộng thị trường
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, doanh nghiệp nông nghiệp, HTX cần chú trọng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cơ bản; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh... Điều này giúp các đơn vị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Một số tiêu chuẩn và hệ thống quản lý mà các doanh nghiệp, HTX có thể tham khảo để áp dụng như: ISO 22000:2018; ISO 45001:2018; ISO 14001:2015. hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSMS)…
Thực tế ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý giúp cải tiến năng suất, chất lượng và áp dụng thành công, đem lại hiệu quả thiết thực. Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông là một ví dụ điển hình.
Công ty này đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ISO 45001: 2018; hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2015... Hàng năm, Công ty xuất khẩu khoảng 4.000 tấn cao su. Việc trang bị các quy định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã và đang giúp công ty có thể đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng khó tính, từ đó mở rộng thị trường.
HTX Nông nghiệp dịch vụ An Bình Phát thành lập năm 2018, chuyên trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây thảo dược như sả, hương nhu, quế, bạc hà...
Định hướng của HTX là không chỉ cung cấp các sản phẩm thô cho các doanh nghiệp, mà tương lai sẽ trực tiếp sản xuất ra sản phẩm và bán trực tiếp ra thị trường. Vì vậy, HTX cũng đang rất quan tâm tới việc trang bị những kiến thức liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn hay các công cụ cải tiến để nâng cao sức cạnh tranh nhằm giúp HTX chuẩn bị tốt hơn cho định hướng sau này.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số (CĐS), đẩy mạnh áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý cho các doanh nghiệp và HTX trong giai đoạn tới, nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng cho rằng cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Cụ thể, cần thay đổi nhận thức, tư duy về CĐS trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX: Cần đẩy mạnh tuyên truyền để dần dần thay đổi nhận thức, tư duy về CĐS trong hoạt động quản lý nhà nước về KTTT, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trong tâm, là nhân tố cốt lõi gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế về CĐS cho khu vực KTTT, HTX. Theo đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững và hội nhập với khu vực và thế giới.
Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng KHCN và CĐS cho khu vực KTTT, HTX: Cần xây dựng mới, sửa đổi các chính sách hiện có mà chưa phù hợp để hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng KHCN và CĐS, mở rộng thị trường cho khu vực KTTT, HTX bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án về CĐS để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các HTX thực hiện CĐS trong giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo.
Ngoài ra, cần kiến tạo, định hướng, hỗ trợ phát triển cho khu vực KTTT, HTX: Đề xuất UBND tỉnh, các địa phương, ngành nông nghiệp, liên minh HTX tỉnh cần tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển tại địa phương.
Lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển knh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện có ở địa phương để thúc đẩy CĐS cho khu vực KTTT, HTX và mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hiệu quả nhất.
Phát huy vị trí, vai trò, năng lực, tính tự chủ của tổ chức kinh tế trong khu vực KTTT, HTX: HTX với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh ứng dụng KHCN và CĐS mạnh mẽ để tồn tại và phát triển.
Nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số, công nghệ số để thực hiện quá trình CĐS phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình CĐS hiệu quả từ các HTX trong nước và quốc tế để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…