Doanh nghiêp lợi gì khi tích hợp ISO 9001:2015 và ISO/IEC 27001:2013?
Áp dụng ISO 9001:2015 tích hợp ISO/IEC 27001:2013 không chỉ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn là bàn đạp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.
ISO/IEC 27001:2013 là tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu cho các hệ thống quản lý an toàn thông tin. Việc áp dụng ISO/IEC 27001 giúp quản lý an toàn thông tin một cách hiệu quả, giúp doanh nghiệp xác định được các mối nguy, rủi ro có thể xảy ra. Sau đó, doanh nghiệp thiết lập hệ thống, thiết lập sự kiểm soát cũng như quy trình để giảm thiểu các rủi ro đó.
ISO/IEC 27001 phù hợp với mọi quy mô của tổ chức, doanh nghiệp và được áp dụng ở mọi lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Trong khi đó, ISO 9001:2015 là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng, áp dụng cho mọi tổ chức doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế và hình thức hoạt động kinh doanh.
ISO 9001 và ISO/IEC 27001 là hai hệ thống quản lý độc lập với đầy đủ các điều khoản, tuy nhiên hai hệ thống có những điểm chung nhất định.
Cụ thể gồm: Phạm vi, lãnh đạo, hỗ trợ nhân sự, hệ thống tài liệu, đánh giá nội bộ, đo lường và giám sát, xem xét của lãnh đạo, cải tiến liên tục.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng nhưng ISO 9001 và ISO/IEC 27001 đều có những điểm riêng biệt về các yêu cầu hệ thống. ISO/IEC 27001 tập trung vào an toàn thông tin, ISO 9001 tập trung vào chất lượng. ISO/IEC 27001 bổ sung thêm đánh giá rủi ro an toàn thông tin và xử lý rủi ro.
Có thể thấy, có nhiều điểm chung giữa hai hệ thống quản lý hơn là sự khác biệt và những điểm khác biệt tồn tại giữa chúng cũng có thể mang lại lợi ích ngoại vi và bổ sung lẫn nhau.
Do đó, việc tích hợp ISO 9001 và ISO/IEC 27001 sẽ giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, vượt qua rào cản kỹ thuật.
Thêm đơn đặt hàng, tăng doanh thu
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp linh hoạt áp dụng hai tiêu chuẩn này giúp đem về kết quả đáng ngạc nhiên, điển hình như trường hợp Công ty cổ phần Logistics Cảng Đà Nẵng (Danalog).
Sau thời gian triển khai và áp dụng, Danalog đã có những thay đổi rõ rệt. Doanh nghiệp tạo được uy tín với khách hàng, gia tăng hợp đồng; nâng cao nhận thức và ý thức về bảo mật thông tin.
Đồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, hướng tới phát triển bền vững; hiểu và biết cách thức xác định rủi ro về an toàn thông tin; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro an toàn thông tin ở mức độ cao tại doanh nghiệp.
Trường hợp khác là câu chuyện của Công ty TNHH Phần mềm Bắc Hà (TP. Hà Nội). Đây là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin với tài sản là dữ liệu, hoạt động chính trong các lĩnh vực: lập trình máy tính, xây dựng và cung cấp dịch vụ phát triển AI, mapping, cloud, DevOps…
Ngoài ra, doanh nghiệp này đang thực hiện phát triển dự án đầu tư vào lĩnh vực phần mềm. Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Công ty TNHH Phần mềm Bắc Hà luôn ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hình ảnh và thương hiệu trong mắt khách hàng.
Sau khi áp dụng tích hợp hai hệ thống quản lý, Công ty đã thu được một số hiệu quả nổi bật. Cụ thể như, Công ty xây dựng thành công biện pháp rủi ro về an toàn thông tin, 100% cán bộ nhân viên được đào tạo nhận thức về hệ thống quản lý an toàn thông tin theo ISO/IEC 27001:2013.
Công ty đã có thêm 3 đơn đặt hàng mới và tăng doanh thu lên 17% sau khi áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn thông tin. 100% khách hàng đều hài lòng với dịch vụ mà Công ty mang lại thông qua quá trình khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng.
Hơn thế nữa, nhờ việc tích hợp hệ thống quản lý, Công ty đã xây dựng thành công một hệ thống văn bản, giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo của hệ thống, giảm bớt việc lưu hồ sơ văn bản giấy, tăng hiệu quả quản lý bằng cơ sở dữ liệu… đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, an toàn, bảo mật thông tin.
Bên cạnh những thành công đạt được sau khi áp dụng tích hợp hai hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 27001, Công ty vẫn còn tồn tại những điểm yếu cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Trong khoảng thời gian xây dựng và áp dụng tích hợp hai tiêu chuẩn, Công ty cũng đã thực hiện diễn tập ứng phó sự cố đảm bảo kinh doanh liên tục, tuy nhiên kết quả không đạt như mong đợi dự kiến. Cụ thể, thời gian khắc phục sự cố vượt 30% so với khoảng thời gian dự kiến ban đầu...