Doanh nghiệp nên chọn áp dụng Lean Sigma hay Six Sigma?
Lean Sigma và Six Sigma đều nhằm mục đích hướng tới sự cải tiến quy trình và chất lượng, nhưng cách chúng tiếp cận vấn đề từ các góc độ khác nhau. Doanh nghiệp cần lựa chọn áp dụng cho phù hợp.
Lean Sigma và Six Sigma đều là phương pháp quản lý chất lượng và cải tiến quy trình sản xuất, cung ứng nhưng chúng có những điểm khác biệt quan trọng về mục tiêu, sử dụng công cụ và phương pháp.
Six Sigma tập trung vào việc giảm thiểu sai sót và biến động trong quy trình sản xuất để cải thiện chất lượng. Mục tiêu của Six Sigma chính là đạt được mức chất lượng cao, nghĩa là số lượng sai sót phải rất thấp (dưới 3 - 4 lỗi trên một triệu cơ hội).
Lean Sigma tập trung vào việc loại bỏ lãng phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất để tăng tốc độ và hiệu quả, trong khi Six Sigma tập trung vào giảm thiểu những sai sót. Lean Sigma nhằm đạt được sự cải tiến tổng thể hơn bằng cách sử dụng kết hợp cả hai phương pháp.
Về phương pháp và công cụ: Six Sigma sử dụng công cụ thống kê và phương pháp DMAIC (Define, Measure, Analyze, Improve, Control), các biểu đồ kiểm soát, phân tích nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để phân tích và đo lường chất lượng.
Lean Sigma kết hợp các công cụ đa dạng và phương pháp của Lean (như Kaizen, 5S, Value Stream Mapping, Just-In-Time) với cả 5 công cụ của Six Sigma (DMAIC- Define, Measure, Analyze, Improve, Control). Lean Sigma thường bắt đầu bằng việc áp dụng Lean để loại bỏ sự lãng phí và sau đó sử dụng Six Sigma để kiểm soát và cải tiến chất lượng.
Six Sigma tập trung vào việc cải tiến các quy trình hiện có bằng cách giảm thiểu sự biến động và sai sót. Nó thường liên quan đến việc phân tích sâu về số liệu và dữ liệu để tìm ra chính xác nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Lean Sigma tập trung vào cải thiện dòng chảy của quy trình, loại đi các bước không cần thiết để tăng tốc độ sản xuất. Phương pháp này không chỉ chú trọng vào việc giảm thiểu đi những sai sót mà còn tối ưu hóa được toàn bộ quy trình để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Six Sigma thường áp dụng vào ngành nghề đòi hỏi mức độ chính xác cao như sản xuất, hàng không, y tế và tài chính. Nó đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng, chính xác và có thể áp dụng cho cả các quy trình sản xuất và cả dịch vụ.
Lean Sigma được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ sản xuất, dịch vụ đến y tế, giáo dục và chính phủ. Phương pháp Lean Sigma linh hoạt hơn trong việc cải tiến cả quy trình, loại bỏ sự lãng phí và phù hợp với môi trường kinh doanh đa dạng.
Trong lựa chọn giữa Six Sigma và Lean Sigma, doanh nghiệp cần đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, mục tiêu cụ thể và những hạn chế của doanh nghiệp.
Nên chọn phương pháp Six Sigma nếu doanh nghiệp đặt ưu tiên cao vào việc cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ; quy trình của doanh nghiệp có nhiều khiếm khuyết cần được khắc phục; doanh nghiệp đã triển khai và áp dụng nguyên tắc Lean nhưng không hiệu quả.
Chọn phương pháp Lean Sigma nếu doanh nghiệp muốn cải thiện cả chất lượng và hiệu quả của quy trình; doanh nghiệp đang gặp phải các vấn đề về sự lãng phí, chậm trễ và kém hiệu quả trong quy trình tổ chức sản xuất; mong muốn xây dựng một nền văn hóa liên tục cải tiến trong toàn bộ doanh nghiệp.