Doanh nghiệp phải chủ động có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp

PV. (t/h)

Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn lực chi trả, cần chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tránh gây mất trật tự xã hội.

Các doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Nguồn: vineconomy.vn
Các doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Nguồn: vineconomy.vn

Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có nhiều biến động; thị trường xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về các DN phát hành. Bộ Công an đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong việc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Ngày 23/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp với các DN phát hành lớn trên thị trường TPDN và một số công ty chứng khoán thực hiện hoạt động tư vấn phát hành TPDN có thị phần môi giới lớn để trao đổi về tình hình thị trường chứng khoán, TPDN và kiến nghị các giải pháp ổn định và phát triển thị trường. Sau cuộc họp, ngày 25/11/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 12389/BTC-TCNH gửi các DN phát hành đề nghị thực hiện ngay các công việc nhằm ổn định và lấy lại niềm tin của thị trường.

Tại Công văn này, Bộ Tài chính đề nghị các DN thực hiện trách nhiệm đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính DN để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của DN với nhà đầu tư và trên thị trường.

Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, DN chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tránh gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ với báo giới về giải pháp để giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, điều đầu tiên các nhà phát hành nên làm là ngồi lại với các trái chủ và thông báo tình trạng thực tế của DN. Kế đến là phải thương lượng về kế hoạch tái cơ cấu DN, kế hoạch trả nợ và tăng quyền lợi cho các trái chủ. Tiếp đó, DN nên thương lượng để nhờ ngân hàng bảo lãnh, dù cửa này rất hẹp.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đối với những DN có thể trả một phần nợ trái phiếu trước hạn hoặc có tài sản đảm bảo là cổ phiếu, thì nên để các trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu DN. Ngoài ra, các nhà phát hành bán lại tài sản cho các trái chủ với mức chiết khấu sâu (Thanh toán bằng hiện vật – Payment in Kind).

Về lâu dài, nếu các giải pháp trên vẫn không xử lý được, Chính phủ có thể thực hiện chương trình hoãn nợ (Credit Moratorium) trong 1 năm cho tất cả các nhà phát hành đúng luật. DN nào phát hành sai luật sẽ không được áp dụng. Trong chương trình “Credit Moratorium”, các trái chủ không được yêu cầu trả nợ hoặc kiện nhà phát hành. Trong thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình cho vay đặc biệt để các nhà phát hành phục hồi kinh doanh, có nguồn lực trả nợ cho các trái chủ. 

Chuyên gia này cũng đồng tình với việc phải xử lý dứt điểm các sai phạm trên thị trường TPDN bởi đây là cơ hội “ngàn năm có một” để giúp thị trường tài chính hoạt động bền vững và nâng tầm thị trường trái phiếu Việt Nam.