Tại Bình Dương:

Doanh nghiệp vững tin vào triển vọng phát triển

Theo Tiểu My/Báo Bình Dương

Tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD), đặt niềm tin vào triển vọng phát triển khi trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH TM sản xuất gỗ Tân Nhật (TX. Tân Uyên). Ảnh: Tiểu My
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH TM sản xuất gỗ Tân Nhật (TX. Tân Uyên). Ảnh: Tiểu My

Tăng tc

Bỏ lại phía sau những khó khăn, hiện tại các DN của Bình Dương đang tăng tốc cho thời điểm cuối năm cũng như xây dựng kế hoạch dài hơi hơn.

Dù tăng trưởng kinh tế quý III có chậm lại so với thời điểm trước dịch bệnh, song kết quả của 9 tháng năm 2021 đã tạo cơ sở vững vàng cho sự tăng tốc từ nay đến cuối năm khi các DN đồng loạt sản xuất trở lại. Đến nay, gần 90% DN tại Bình Dương phục hồi lại sản xuất với hơn 500.000 lao động đã trở lại nhà máy làm việc.

Thực hiện đúng theo phương án này, lãnh đạo Công ty Ampacs International (huyện Bàu Bàng), cho biết sau khi tái khởi động sản xuất từ ngày 17/9, đến nay công nhân quay trở lại làm việc hơn 1.500 người, chiếm 25% trên tổng số lao động. Với mong muốn tiếp nhận 8.000 nhân công để sớm phục hồi đạt công suất 100%, nhà máy đang thực hiện các chính sách hỗ trợ về tiền lương, thưởng để khuyến khích thu hút lao động.

Bà Trần Thị Hà Bình - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (TP. Thuận An), cho biết trong thời gian tạm ngưng hoạt động để chống dịch, công ty thực hiện những chính sách hỗ trợ cho người lao động với mức chi trả lương tối thiểu vùng, hỗ trợ thực phẩm...

Kể từ ngày 1/10 sau khi công ty hoạt động trở lại, những người lao động cũ trở lại làm việc đúng thời gian theo thông báo được thưởng ngay 2 triệu đồng/người. Nhờ vậy, sau khi nhà máy khôi phục sản xuất đã có 6.000 công nhân trở lại làm việc. Hiện công ty đang nỗ lực hết sức, đẩy nhanh tiến độ đơn hàng năm 2021.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) Điền Quang Hiệp, hiện các DN đã sẵn sàng SXKD với cường độ và hiệu quả cao, thích ứng tình hình mới, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài, mở rộng xuất khẩu. Đồng thời, sáng tạo, nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng.

DN ngành gỗ hiện chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế. Bình Dương hiện có gần 1.215 DN, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, đóng góp tỷ trọng lớn vào giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Tín hiệu đáng mừng khi tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 467,4 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng ước đạt 5.448,7 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

To điu kin tt nht cho DN

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới”. Mục tiêu trước mắt là giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện để DN tập trung khôi phục sản xuất, chú trọng kết nối lại thị trường lao động, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, ban đã và đang theo sát tiến trình trở lại của các DN để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo điều kiện cho sản xuất. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. DN yên tâm hoạt động SXKD, có điều kiện đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới tập trung vào các vấn đề y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ DN hồi phục trong tình hình mới. Năm 2021 đã đi đến những tháng cuối năm, Bình Dương phải nỗ lực để hỗ trợ cộng đồng DN khắc phục khó khăn, tái sản xuất, thực hiện tốt kế hoạch đã đặt ra trong năm.

Bên cạnh đó, Bình Dương xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn sau dịch, nỗ lực mở cửa nền kinh tế phát triển ổn định và an toàn. Tăng tính chủ động cho DN trong phòng, chống và thích ứng với dịch bệnh nhằm duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp. Để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN, tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh tiếp tục theo sát, nắm bắt tốt hơn các vấn đề phát sinh, vướng mắc của DN giải quyết nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Tinh thần của tỉnh là luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các giải pháp nhằm tăng thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng. Tỉnh cũng khuyến khích, huy động các nguồn lực cùng chăm lo tốt hơn công tác an sinh xã hội để giúp người dân gặp khó khăn do dịch bệnh có cuộc sống ổn định.