Đổi mới cơ chế quản lý xuất xứ hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế

Hà Anh

Việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu hoàn thiện về pháp lý phù hợp với cam kết quốc tế, còn là cơ hội để đổi mới cơ chế quản lý, cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đổi mới cơ chế quản lý, cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đổi mới cơ chế quản lý, cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Để quản lý xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế các thông tư hiện hành về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang trình cấp có thẩm quyền dự thảo Thông tư thay thế các thông tư về kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu trên tinh thần giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính không thực chất, thay thế bằng những điều khoản tiến bộ, phù hợp với cam hết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý xuất xứ hàng hóa là nhiệm vụ luôn được Tổng cục Hải quan ưu tiên triển khai. Với những điểm mới quy định tại dự thảo Thông tư sẽ có nhiều cải cách đột phá giúp nâng cao hiệu quả quản lý xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Tổng cục Hải quan đã lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, cơ quan hải quan địa phương và các cơ quan có liên quan. Qua tổng hợp, các ý kiến tham gia đều mong muốn thông tư ban hành sớm để xử lý kịp thời các vướng mắc hiện nay. 

Theo Tổng cục Hải quan, các yêu cầu quản lý theo cách tiếp cận mới như: Áp dụng bảo lãnh cho hàng hóa nợ, chậm nộp chứng từ Chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nộp qua hệ thống V5, nộp bản sao...) cần được bổ sung và hướng dẫn cụ thể ở Thông tư để cơ quan hải quan có cơ sở pháp lý thực hiện.

Bên cạnh các quy định trên, dự thảo Thông tư quy định, đối với hàng hóa mà người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan.

Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất tối huệ quốc (MFN), hoặc thuế suất thông thường và được thông quan. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt và thông quan theo quy định.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng xử lý trường hợp có sự khác biệt về mã số HS trên tờ khai và trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ...

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), dự thảo Thông tư mới sẽ đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động liên quan đến hiện đại hóa hải quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các hình thức mới về chứng nhận xuất xứ.

Đồng thời, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hải quan, Nghị định số 59/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Nghị định số 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa và thực hiện theo các cam kết quốc tế về xuất xứ mà Việt Nam là thành viên.