Đổi mới công tác “hậu kiểm” ở Hải quan Hải Phòng
Hải quan Hải Phòng xác định trong bối cảnh tạo thuận lợi ở khâu thông quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo chủ trương của Chính phủ, khối lượng công việc đặt ra cho lực lượng kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) sẽ tăng lên đáng kể, do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải đẩy mạnh cải cách trong công tác “hậu kiểm”.
Đổi mới phương thức
Làm việc với phóng viên, lãnh đạo Chi cục KTSTQ (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: Công tác “hậu kiểm” ở Hải Phòng đang được triển khai đồng bộ ở cả Chi cục KTSTQ và các chi cục hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu theo quy định của Luật Hải quan. Trong đó, Chi cục KTSTQ vừa đảm nhiệm vai trò trực tiếp kiểm tra (tại DN và trụ sở cơ quan Hải quan) vừa thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Cục để chỉ đạo thực hiện công tác này ở các chi cục đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả và tạo thuận lợi cho DN.
Cập nhật mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn lực lượng KTSTQ thuộc Cục Hải quan Hải Phòng đã thực hiện 1.751 cuộc kiểm tra, trong đó có 49 cuộc tại trụ sở DN. Tổng số thuế ấn định phải thu 186,9 tỷ đồng, số thuế đã thu nộp ngân sách đạt 198,8 tỷ đồng (bao gồm cả khoản phát sinh năm trước).
Việc “hậu kiểm” do các chi cục hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu là hoạt động mới theo quy định của Luật Hải quan, do đó, việc tìm giải pháp để triển khai hiệu quả là hết sức quan trọng. Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng KTSTQ ở các chi cục chủ yếu tập trung vào kiểm tra vấn đề trị giá tại trụ sở cơ quan Hải quan, vì vậy, công tác kiểm tra tại cơ quan Hải quan phải có được sự đổi mới quyết liệt.
“Với các trường hợp DN phải đến kiểm tra, lực lượng KTSTQ sẽ thông báo trước về nội dung, phạm vi kiểm tra… để DN có sự chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu. Bởi thực tế trước đây, không ít trường hợp đến làm việc với cơ quan Hải quan nhưng DN bị thiếu hồ sơ, chứng từ quan trọng nên mất thời gian đi lại, ảnh hưởng đến hoạt động… Nhưng gần đây, khi được lực lượng KTSTQ hướng dẫn trước nên DN đến làm việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đầy đủ và quá trình kiểm tra diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả”- Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ Hải Phòng Trần Mạnh Cường nói.
Theo Chi cục KTSTQ Hải Phòng, với sự tư vấn trước như vậy nên DN cũng “khoanh vùng” được nội dung, đối tượng kiểm tra và có sự chủ động nghiên cứu trước các quy định của pháp luật, tài liệu liên quan nên khi kiểm tra tại cơ quan Hải quan hai bên dễ tìm được tiếng nói chung. Nhờ đó, những vướng mắc phát sinh, những khiếu nại về kết quả kiểm tra ở cơ quan Hải quan đang có chiều hướng giảm mạnh. Thời gian tới, việc đổi mới trong công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan, nhất là liên quan đến trị giá hải quan sẽ được Hải quan Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh.
Một giải pháp khác đang được Chi cục KTSTQ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng là đổi mới công tác kiểm tra với DN lớn, có phát sinh hoạt động XNK ở nhiều chi cục hải quan. Hiện nay, với những DN lớn, mở tờ khai ở nhiều chi cục hải quan, khi phát sinh đồng thời các tờ khai phải KTSTQ theo quy định ở nhiều chi cục DN phải đến nhiều đơn vị để làm việc.
Trước bất cập như vậy, Chi cục KTSTQ Hải Phòng đang đề xuất phương án với đối tượng DN lớn, mở tờ khai ở nhiều chi cục, khi phải thực hiện KTSTQ ở cơ quan Hải quan sẽ được tập trung về một đầu mối (Chi cục KTSTQ). Điều này giúp DN hạn chế việc phải đến nhiều đơn vị để làm việc, mặt khác cũng tạo được sự thống nhất trong kết quả kiểm tra đối với các DN.
Nhưng liệu việc tăng khối lượng công việc, đối tượng kiểm tra Chi cục KTSTQ có đủ lực lượng để đảm đương? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Chi cục KTSTQ cho rằng, việc kiểm tra sẽ được căn cứ vào kết quả quản lý rủi ro, DN, mặt hàng có nguy cơ rủi ro cao sẽ được chú trọng kiểm tra trước. Vì vậy, không có tình trạng kiểm tra theo kiểu “dàn hàng ngang” nên vẫn đảm bảo được yêu cầu.
Đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách
Bên cạnh việc chú trọng cải cách trong bối cảnh nhiệm vụ đặt ra cho công tác KTSTQ đang tăng lên, lực lượng KTSTQ Hải quan Hải Phòng vẫn phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2017 là 360 tỷ đồng, là đơn vị hải quan địa phương có chỉ tiêu thu đứng thứ 2 toàn Ngành.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu, ngoài việc cải cách, đổi mới công tác “hậu kiểm” như đề cập ở trên, thời gian tới Chi cục KTSTQ tiếp tục tập trung nguồn lực kiểm tra các DN, mặt hàng có rủi ro cao. Đặc biệt, đơn vị xác định phải chú trọng vào xây dựng các chuyên đề trọng điểm để kiểm tra.
Song song với đó là việc xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Thực tế tại Hải quan Hải Phòng và toàn Ngành thời gian gần đây cho thấy, số nợ thuế từ công tác KTSTQ đang ở mức cao. “Toàn lực lượng đang quyết tâm xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế tồn đọng trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực, đồng thời thu hồi triệt để các khoản nợ thuế phát sinh và phấn đấu không để phát sinh nợ xấu”- lãnh đạo Chi cục KTSTQ nhấn mạnh.