Đối phó vấn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố trong bối cảnh hội nhập
“Rủi ro trong hoạt động và phòng chống rửa tiền – chống tài trợ khủng bố là những nội dung đáng quan ngại nhất”, nhấn mạnh điều này ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, quản trị rủi ro hoạt động, phòng chống rửa tiền - tài trợ khủng bố phải là nhiệm vụ trọng tâm của các ngân hàng.
Nâng cấp công cụ phòng chống rủi ro
Báo cáo của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và của các cơ quan độc lập trong gian đoạn vừa qua cho thấy, mức độ phức tạp của rủi ro hoạt động trong đó có rủi ro tác nghiệp, rủi ro từ cơ chế, quy trình, chính sách, mô hình. Cùng với đó là rủi ro công nghệ thông tin, an ninh dữ liệu, rủi ro từ các sự kiện bên ngoài gây ra và đặc biệt nghiêm trọng đó là rủi ro từ gian lận nội bộ. Khảo sát của tổ chức kiểm toán độc lập KPMG từng đánh giá về chất lượng quản lý rủi ro cho thấy các công cụ và quy trình kiểm soát rủi ro thanh khoản được đánh giá tốt nhất (79%), rủi ro tín dụng và thị trường được đánh giá tốt thứ hai (68%) nhưng rủi ro hoạt động, phòng chống rửa tiền - tài trợ khủng bố được cho là đáng quan ngại nhất (chỉ 57%).
Chuyên gia về Tội phạm tài chính, khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Deloitte cũng đưa ra nhận định rằng: Thách thức đối với các tổ chức tín dụng hiện nay là khối lượng khách hàng và giao dịch rất lớn đi kèm với những quy định mới và thường xuyên thay đổi. Vì vậy, các tổ chức cần tăng cường kiểm tra tính hiệu quả và hiệu năng của các công cụ sàng lọc nhằm đưa ra môi trường tuân thủ luật định mang lại hiệu quả chi phí hơn.
Được biết, cách đây 10 - 15 năm khi nói về bảo mật, chúng ta nói thường đề cập tới Firewall về phần mềm Anti-virus, về việc mở cổng IP, Ports nhưng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố ngày càng tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tình hình gian lận tài chính cũng là một trong những rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động ngân hàng trong thời gian gần đây cũng đã tăng nhanh. Những loại hình tội phạm này một phần là do các đối tác, khách hàng của ngân hàng gây ra, nhưng cũng có không ít trường hợp lỗi do cán bộ ngân hàng, ví dụ như: cán bộ ngân hàng làm giả sổ đỏ, lấy tiền ngân hàng cá độ bóng đá, làm giả chứng nhận tiền gửi, bắt tay với bên thứ 3 để lấy sổ đỏ của dân thế chấp (loại hình này rất phổ biến), làm giả uy thác đầu tư lừa đảo tiền khách hàng...
Lộ trình hội nhập hệ thống ngân hàng quốc tế đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam ngày càng hoàn thiện năng lực quản lý rủi ro và tuân thủ, đặc biệt là công tác phòng chống rửa tiền – tài trợ khủng bố. “Rủi ro trong hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng luôn luôn tiềm ẩn. Quản trị rủi ro hoạt động, phòng chống rửa tiền – tài trợ khủng bố là nhiệm vụ quan trọng của các ngân hàng, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế”, ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trong thực tế, thời gian qua hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đang rất nỗ lực trong đầu tư nâng cấp an toàn bảo mật, giám sát giao dịch, công cụ để phân tích các dữ liệu phục vụ điều tra gian lận, quản lý thay đổi, quản lý truy cập, đánh giá định kỳ rủi ro công nghệ thông tin… Bà Bùi Như Ý, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: Cùng với đối tác chiến lược Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ - ngân hàng hàng đầu Nhật Bản, VietinBank đã nâng cấp phương thức quản trị rủi ro hoạt động theo các nguyên tắc và thông lệ tốt nhất, tiếp tục là bước củng cố vững chắc hơn nữa cho nền tảng quản lý rủi ro hoạt động phát triển. Kết quả hết sức khích lệ khi VietinBank có những bước chuyển mình thay đổi về chất: Thực hành nguyên tắc về quản trị, nhận diện đo lường và giám sát rủi ro hoạt động, nguyên tắc về văn hóa và con người”.
Chia sẻ những kinh nghiệm mà ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải đã áp dụng trong quá trình triển khai về việc tính vốn cho rủi ro hoạt động, ông Bùi Mạnh Hưng, Giám đốc quản lý rủi ro hoạt động của ngân hàng cho biết: Ngân hàng. Nâng cấp công cụ phòng chống rủi ro hoạt động là một trong những nội dung trọng yếu để các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể đạt được theo chuẩn mực Basel 2, thể hiện năng lực, trình độ của một số ngân hàng hiện nay đã sẵn sàng và có khả năng có thể đáp ứng được chuẩn mực quốc tế thông dụng chung của khu vực.
Tiệm cận chuẩn mực Basel 2
Giới chuyên gia cho rằng, rủi ro hoạt động gồm có những nhóm rủi ro chính (con người, quy trình, hệ thống, sự kiện bên ngoài…). Đó chính là những thách thức mà các nhà quản lý Việt Nam cũng như các ngân hàng hiện đang có những chiến lược sáp nhập hay đã thực sáp nhập với các định chế tài chính khác cần thiết phải đặc biệt lưu tâm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tuân thủ Basel 2 là một thách thức lớn với các ngân hàng nếu không xác định rõ mục tiêu và phương thức triển khai. Văn hóa rủi ro có tính quyết định cho việc triển khai quản lý rủi ro hoạt động thành công tại các ngân hàng. Việc duy trì và phát huy văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy cho quản lý rủi ro hoạt động hiệu quả không phải là một chương trình ngắn hạn. Chính vì vậy, “Ngân hàng Nhà nước cần sớm có thông tư hướng dẫn và lộ trình triển khai về quản lý rủi ro hoạt động tiệm cận chuẩn mực Basel 2, nâng cao vai trò của Hiệp hội ngân hàng trong việc đầu mối phối hợp với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu ngành ngân hàng Việt Nam”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đang nghiên cứu, phối hợp với các ngân hàng thương mại xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản trị rủi ro hoạt động tham khảo mô hình các nước tiên tiến trong khu vực về cơ sở dữ liệu những người làm nghề ngân hàng để quản trị vấn đề rủi ro đạo đức, rủi ro nhân sự tại thị trường Việt Nam.
Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước cũng đã giới thiệu biện pháp KYC (xác minh và ghi lại đặc điểm nhận dạng khách hàng, người hưởng lợi và các bên liên quan đến khách hàng). KYC là biện pháp phòng ngừa quan trọng và là một cấu phần đặc biệt trong việc phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về AML/CFT, theo quy định của pháp luật về Phòng chống rửa tiền – tài trợ khủng bố.