Tích cực phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại

Linh Trang

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống rửa tiền, Việt Nam đã quyết tâm chống tội phạm này với việc nỗ lực xây dựng khung pháp lý, tổ chức bộ máy hiệu quả và phối hợp với các nước trong cuộc chiến chống rửa tiền. Để nâng cao toàn diện chất lượng công tác phòng, chống rửa tiền, thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cần hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cần hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế.

So với các nước phát triển trên thế giới, Việt Nam có quy định về phòng, chống rửa tiền (PCRT) thông qua hoạt động ngân hàng đã có từ năm 1997, nhưng chưa đề cập cụ thể nội dung và khái niệm về các hoạt động rửa tiền. Chỉ đến ngày 7/6/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về PCRT, thuật ngữ “rửa tiền” mới được sử dụng phổ biến trên các văn bản, tài liệu như hiện nay. Đến nay, hệ thống luật pháp về PCRT ở nước ta đã và đang dần hoàn thiện để phù hợp hơn trong thực tiễn.

Rửa tiền tác động xấu đến nền kinh tế vĩ mô: Làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của các chính sách kinh tế; hoạt động rửa tiền làm xói mòn niềm tin vào các thị trường tài chính.

Rửa tiền và vấn đề tài trợ khủng bố: Tội phạm khủng bố sử dụng các phương tiện/hình thức rửa tiền khác nhau để luân chuyển luồng tài chính tài trợ cho hoạt động khủng bố.

Các cá nhân, tổ chức tài trợ cho khủng bố cũng tìm cách sử dụng nhiều hình thức khác nhau để che giấu hành vi của chúng, tạo khoảng cách xa nhất từ chúng cho đến đích là tội phạm trực tiếp tiến hành hoạt động khủng bố.

Trước xu thế hội nhập kinh tế thế giới, hoạt động ngân hàng chịu áp lực ngày càng gia tăng của các tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng vì ngoài việc phải đối phó với các khoản tiền bất hợp pháp trong nước mà còn phải đối phó với nguy cơ các tổ chức tội phạm quốc tế, bởi lẽ, các quốc gia đang phát triển với hệ thống ngân hàng và tài chính chưa thực sự phát triển và tỷ trọng sử dụng tiền mặt cao, thường là địa chỉ được chọn cho các hoạt động rửa tiền.

Theo các chuyên gia kinh tế, loại tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố đã trở thành vấn nạn mang tình toàn cầu. Đặc biệt, khi các trung tâm tiền tệ hàng đầu thế giới nỗ lực chống lại các hoạt động rửa tiền trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay, những tội phạm rửa tiền lại có thêm động cơ để chuyển hoạt động rửa tiền sang các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, hoạt động PCRT đã được đề cập chính thức lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam với tội danh “tội rửa tiền” và “tội hợp pháp hoá tiền do phạm tội mà có” được quy định tại Điều 250 và Điều 251. Trong văn bản pháp lý cao nhất quy định các hoạt động ngân hàng là Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã có quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với việc rửa tiền.

Qua một thời gian Việt Nam triển khai công tác PCRT trong các NHTM đặc biệt trong mấy năm gần đây, đã phát hiện một số trường hợp nghi vấn rửa tiền được phát hiện trong các loại giao dịch: Giao dịch liên quan đến rút lượng lớn tiền mặt; giao dịch liên quan đến việc sử dụng hộ chiếu giả để mở tài khoản, rút tiền tại ngân hàng. Các phương thức, thủ đoạn rửa tiền: Rửa tiền qua hoạt động thẻ; rửa tiền qua tín dụng và tài trợ thương mại; rửa tiền qua các hoạt động khác như chứng khoán, chuyển phát nhanh tiền mặt, chuyển tiền qua ngân hàng...

Mô hình tổ chức và trách nhiệm PCRT tại các NHTM Việt Nam: Tùy theo quy định của mỗi NHTM, các bộ phận có trách nhiệm về công tác PCRT có thể được tổ chức theo mô hình cụ thể khác nhau song thông thường bao gồm các cấp và đơn vị như sau: tại trụ sở chính; các chi nhánh.

Đáng chú ý, sau một thời gian Việt Nam triển khai quyết liệt công tác PCRT, ý thức tuân thủ của các NHTM trong công tác này đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Nhiều ngân hàng đã ban hành các quy định riêng liên quan đến công tác PCRT và tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ nhằm nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ trong công tác này.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đã có rất nhiều trường hợp nghi ngờ rửa tiền. Tuy nhiên, hiện nay báo cáo các giao dịch đáng ngờ các bộ phận đang làm thủ công, chưa có hệ thống tự động hỗ trợ cho nhân viên trong việc xác định các giao dịch đáng ngờ.

Các biện pháp chủ yếu mà các ngân hàng hiện đang áp dụng:

(i) Thành lập một bộ phận chuyên trách hoặc chỉ định một bộ phận tại trụ sở chính chịu trách nhiệm về PCRT; quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách PCRT và của từng cá nhân, bộ phận trong quá trình tác nghiệp đảm bảo việc thực hiện quy chế nội bộ về PCRT của ngân hàng.

(ii) Xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về PCRT làm căn cứ thực hiện công tác PCRT tại đơn vị của mình. Quy định nội bộ bao gồm các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục cơ bản.

(iii) Hoàn thiện Module CIF quản lý hồ sơ khách hàng để bất kỳ lúc nào truy cập vào hệ thống sẽ có bức tranh toàn diện về khách hàng với những thông tin đầy đủ, chi tiết và thường xuyên được cập nhật.

Trên thực tế, hoạt động rửa tiền diễn ra hết sức tinh vi, đa dạng, hoạt động trinh sát, điều tra của các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn do hệ thống văn bản pháp lý về xử lý hành vi này chưa thực sự hoàn thiện, chế tài chưa rõ ràng, công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng, đặc biệt là hoạt động rửa tiền quốc tế liên quan đến các ngân hàng nước ngoài rất khó khăn. Phức tạp nhất, do đặc thù giao dịch tài chính ở Việt Nam, chủ yếu là tiền mặt trao tay, các giao dịch, thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Thực tế này khiến việc kiểm tra hoạt động rửa tiền càng trở nên phức tạp tới mức gần như không thể thực hiện.

Để nâng cao toàn diện chất lượng công tác PCRT, hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này, một trong những nhiệm vụ cấp bách của các NHTM cần được triển khai ngay là hoàn thiện khung pháp lý về PCRT. Khung pháp lý này cần tập trung vào một số lĩnh vực như: Triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu lực; tăng cường yêu cầu về thu thập và quản lý thông tin khách hàng; gia tăng hiệu lực của các báo cáo về giao dịch đáng ngờ; quản lý và giám sát.

Cùng với đó, các ngân hàng cần xây dựng chính sách, quy trình hướng dẫn cách thức thực hiện công tác PCRT tại các khâu: Mở và sử dụng tài khoản; quy định về nhận biết khách hàng, nhận biết khách hàng giản đơn và tăng cường. Đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức toàn diện từ hội sở chính, chi nhánh đến các công ty trực thuộc trong hệ thống NHTM Việt Nam là điều kiện vô cùng quan trọng trong việc thực hiện PCRT có hiệu quả./.