Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính):

Đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2021


Trong năm 2021, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, bám sát chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển” và 8 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021 là: “Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để ổn định vĩ mô, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thực hiện cơ cấu lại NSNN gắn với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN”. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu; rà soát, xây dựng, triển khai các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không phục sản xuất, kinh doanh.

Hai là, phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP. Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn lậu thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Ba là, tổ chức điều hành chi NSNN theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả: triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN và tài sản công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Bốn là, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo; tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương.

Năm là, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.

Sáu là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN năm 2021; tăng cường phối hợp trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ, điều hành ngân quỹ nhà nước và cân đối ngoại tệ, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán.

Bảy là, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tăng cường phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

(*) Trích lược từ bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021