Đồng bộ chế độ kế toán thuế xuất nhập khẩu để giảm thời gian thông quan
Để đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ về chế độ kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tạo điều kiện cho các đơn vị Hải quan thực hiện tốt công tác kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu, hạn chế những vướng mắc trong hạch toán ghi sổ kế toán, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn kế toán thuế XNK thay thế Thông tư 212/2014/TT-BTC.
Cần tách riêng nghiệp vụ kế toán và quản lý thuế
Theo phân tích của Cục Thuế XNK, hiện nay, Kế toán thuế XNK của Tổng cục Hải quan đang triển khai trên hệ thống ứng dụng CNTT được phát triển từ Hệ thống Kế toán 559 (xây dựng từ năm 1996), theo mô hình kết hợp giữa thực hiện nghiệp vụ quản lý thuế XNK theo pháp luật thuế và thực hiện nghiệp vụ kế toán theo pháp luật kế toán. Việc hạch toán ghi sổ kế toán sẽ đồng thời thực hiện với các nghiệp vụ quản lý thuế trên cùng sổ sách kế toán. Tuy nhiên, mô hình kết hợp này hiện có nhiều hạn chế. Cụ thể, hoạt động quản lý thuế phải đáp ứng nhiệm vụ quản lý nghĩa vụ của người nộp thuế, phải đảm bảo yêu cầu về thời gian theo thủ tục hành chính của pháp luật thuế. Còn nghiệp vụ kế toán là phản ánh về chỉ tiêu tài chính khi các nghiệp vụ quản lý thuế đã hoàn thành trong khoản thời gian theo kỳ kế toán. Do đó, yêu cầu về nhiệm vụ và thời gian của hai nghiệp vụ là khác nhau, nghiệp vụ kế toán luôn đi sau nghiệp vụ quản lý thuế. Vì vậy, việc đồng thời thực hiện là không phù hợp.
Theo mô hình hiện tại, khi bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế cập nhật dữ liệu để theo dõi chi tiết nghĩa vụ của người nộp thuế, thì đồng thời ghi sổ định khoản kế toán. Tuy nhiên, vì cán bộ quản lý thuế không có chuyên môn kế toán (không hiểu các thuật ngữ Nợ, Có và nguyên tắc kế toán) nên dễ dẫn đến sai sót số liệu kế toán, nhưng trách nhiệm về số liệu đúng hay sai trên trên sổ sách kế toán lại thuộc bộ phận kế toán. Vì vậy, trách nhiệm của cán bộ nghiệp vụ và cán bộ kế toán về số liệu trên hệ thống là không rõ ràng.
Hơn thế nữa, việc kết hợp quản lý chi tiết nghĩa vụ người nộp thuế theo từng tờ khai và đồng thời thực hiện định khoản kế toán trên cùng sổ sách kế toán theo mô hình hiện tại dẫn đến dữ liệu hệ thống bị quá tải, nên thời gian khai thác, xử lý dữ liệu trên hệ thống kế toán bị chậm. Trường hợp khi phải chia tách đơn vị kế toán, chuyển đổi hoặc chia tách sổ kế toán sẽ rất khó khăn, do toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý thuế cùng ghi chép trên sổ kế toán. Vì vậy, khi chuyển sổ kế toán phải chuyển đổi chi tiết tất cả các dữ liệu quản lý thuế theo từng đối tượng, từng hồ sơ, từng tờ khai từ cách đây hàng chục năm trước. Trong khi sổ kế toán thì chỉ cần chuyển đổi số dư cuối kỳ. Do đó, mô hình kết hợp nêu trên là không phù hợp, cần tách các nghiệp vụ kế toán và các nghiệp vụ quản lý thuế thành các hệ thống riêng nhưng sẽ liên kết với nhau, để khắc phục các hạn chế của Hệ thống kế toán ứng dụng CNTT nói trên.
Đảm bảo trách nhiệm của từng bộ phận chuyên môn
Từ những bất cập trên, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 212/2014/TT-BTC để chuẩn bị các điều kiện thực hiện Đề án Tổng kế toán nhà nước và làm cơ sở cho việc nâng cấp Hệ thống CNTT ứng dụng cho kế toán thuế XNK. Đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế theo quy định của pháp luật thuế và đảm bảo thực hiện kế toán theo quy định của pháp luật kế toán của Tổng cục Hải quan trong giai đoạn hiện nay. Tạo điều kiện cho các đơn vị Hải quan thực hiện tốt các nghiệp vụ kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa XNK.
Theo đó, dự thảo Thông tư sẽ sửa đổi trình tự luân chuyển chứng từ kế toán từ hệ thống kế toán ứng dụng CNTT theo hình thức căn cứ từng chứng từ để ghi sổ sang hệ thống hệ thống CNTT tách thành 2 hệ thống riêng gồm: Phần nghiệp vụ quản lý thuế theo dõi chi tiết theo từng đối tượng quản lý, từng tờ khai và Phần kế toán tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế tài chính.
Chứng từ gốc sẽ được bộ phận quản lý thuế tiếp nhận, lưu giữ, theo dõi chi tiết trên sổ quản lý nghiệp vụ và cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống quản lý thuế để thực hiện chức năng quản lý nghĩa vụ của người nộp thuế. Sau đó, bộ phận quản lý thuế lập bảng kê chứng từ chuyển bộ phận kế toán hạch toán kế toán tổng hợp các chỉ tiêu tài chính. Như vậy, sẽ đảm bảo bộ phận quản lý thuế có đầy đủ chứng từ gốc để theo dõi, quản lý nghĩa vụ của người nộp thuế và Bộ phận kế toán sẽ tiếp nhận bảng kê chứng từ gốc để hạch toán kế toán tổng hợp. Đảm bảo trách nhiệm thực hiện đúng chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận, khắc phục sự chống chéo trước đây.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng sửa đổi phương pháp kế toán thu theo hướng các nghiệp vụ thu kế toán sẽ căn cứ trên bảng kê chứng từ “báo cáo của KBNN” do bộ phận quản lý thuế lập sau đó chuyển bộ phận kế toán để hạch toán tổng hợp thu NSNN.
Đối với thông tin dữ liệu từ ngân hàng phối hợp thu, bộ phận quản lý thuế sẽ tiếp nhận để thực hiện nghiệp vụ thanh khoản nợ trên sổ theo dõi chi tiết nợ của từng đối tượng. Sau khi nhận Báo có của KBNN bộ phận quản lý thuế cập nhật thông tin thu để tất toán khoản nợ đã thanh khoản và chuyển bộ phận kế toán hạch toán thu NSNN. Như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc kế toán ghi nhận số liệu khi nghiệp vụ kinh tế đã hoàn thành, khắc phục tình trạng ghi sổ kế toán trước khi kiểm tra đối chiếu số liệu với KBNN.
Đồng thời, dự thảo Thông tư cũng bổ sung phương pháp kế toán trong trường hợp người nộp thuế tự thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa hàng NK theo Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Hạch toán theo hướng sẽ điều chỉnh ghi số âm số thuế tạm thu trước đó, đồng thời ghi nhận số thuế chuyên thu phải thu theo quyết định ấn định.
Sửa đổi hệ thống báo cáo theo hướng Thông tư kế toán thuế sẽ hướng dẫn các báo cáo tài chính theo pháp luật kế toán. Đối với các Báo cáo quản trị nghiệp vụ theo yêu cầu quản lý nội bộ Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng mẫu và hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ. Khi có thay đổi về hướng dẫn nghiệp vụ thuế, Tổng cục Hải quan sẽ chủ động rà soát các báo cáo quản trị nghiệp vụ để sửa đổi cho phù hợp, khắc phục tình trạng khi có thay đổi nghiệp vụ thuế, hải quan sẽ phải sửa Thông tư kế toán. Ngoài ra còn bổ sung thêm một số báo cáo theo yêu cầu của đề án Tổng kế toán nhà nước.
Theo Cục Thuế XNK, dự thảo Thông tư áp dụng cho đối tượng là các đơn vị hải quan. Nội dung hướng dẫn về công tác kế toán, phản ánh các chi tiêu thông tin tài chính trên cơ sở theo các quy trình, thủ tục nghiệp vụ thuế XNK và Hải quan đã được quy định tại các văn bản pháp quy hiện hành. Vì vậy không phát sinh thêm các thủ tục hành chính đối với người nộp thuế, góp phần thêm giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN.