Đồng bộ triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu ngân sách nhà nước năm 2019
Để giải quyết những thách thức đặt ra trong năm 2018 và thực hiện tốt mục tiêu ngân sách nhà nước năm 2019, thời gian tới, ngành Tài chính cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm
Trong năm 2019, nhiệm vụ thu NSNN đặt ra đối với ngành Tài chính là dự toán thu đạt 1.411,3 nghìn tỷ đồng; trong đó: (i) dự toán thu nội địa 1173,5 nghìn tỷ đồng; (ii) dự toán thu dầu thô 44,6 nghìn tỷ đồng; (iii) dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 189,2 nghìn tỷ đồng; (iv) thu viện trợ 4 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, dự toán chi là 1.633,3 nghìn tỷ đồng; trong đó: (i) dự toán chi đầu tư phát triển 429,3 nghìn tỷ đồng; (ii) dự toán chi thường xuyên 999,46 nghìn tỷ đồng; (iii) dự toán chi trả nợ lãi 124,88 nghìn tỷ đồng; (iv) dự toán chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế 43,35 nghìn tỷ đồng.
Tổng nhiệm vụ chi trả nợ gốc của NSNN năm 2019 gần 196,8 nghìn tỷ đồng, trong đó chi trả nợ gốc của ngân sách trung ương là 181,97 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương là 14,82 nghìn tỷ đồng.
Dự toán bội chi NSNN ở mức 3,6%GDP, số tuyệt đối là 222 nghìn tỷ đồng; trong đó, bội chi ngân sách trung ương 209,5 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương 12,5 nghìn tỷ đồng. Tổng nhiệm vụ huy động để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc là 425,25 nghìn tỷ đồng; trong đó, huy động bù đắp bội chi 224,1 nghìn tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 201,15 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, để giải quyết những thách thức đặt ra trong năm 2018 và thực hiện tốt mục tiêu NSNN năm 2019, thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, chủ động theo dõi diễn biến kinh tế, tài chính, ngân sách để có những dự báo và phản ứng chính sách tài khóa kịp thời; phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhằm hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh phát triển; ổn định kinh tế vĩ mô. Tổ chức thực hiện tốt các luật về thuế, Luật NSNN và Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công… Tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Quốc hội, Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công…
Hai là, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế (đặc biệt là các sắc thuế lớn như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập, giá trị gia tăng…) theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo bền vững trong thu NSNN; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển. Trong điều hành thu NSNN cần tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong thực hiện quản lý thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt chẽ hoàn thuế; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung xử lý thu hồi nợ đọng thuế và đôn đốc thu hồi các khoản phải thu theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, tiếp tục thực hiện chính sách chi tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, hạn chế ứng trước dự toán và chi chuyển nguồn; chủ động rà soát, sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên; đẩy mạnh việc mở rộng khoán xe ô tô công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả… Về phía các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát các vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo thuận lợi trong giải ngân các nguồn vốn đầu tư và hoàn thiện các thủ tục để thanh toán vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện cơ chế quản lý như DN đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học; giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả; Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Năm là, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay; kiểm soát chặt khoản vay của chính quyền địa phương, DN nhà nước. Đặc biệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay; tăng cường quản lý các khoản vay mới, khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện.