Động cơ thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp có vốn nhà nước
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước ở Việt Nam đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN, cũng như nền kinh tế. Do vậy, phân tích rõ hơn những động cơ của các bên khi thực hiện M&A DN có vốn nhà nước là việc làm cần thiết, giúp cơ quan quản lý nhà nước xây chiến lược, khuôn khổ pháp lý và điều tiết chính sách kịp thời, hiệu quả.
Thống kê giai đoạn 2009 – 2018, có trên 4.000 thương vụ M&A DN có vốn nhà nước ở Việt Nam được thực hiện với tổng giá trị 48,8 tỷ USD. Đây là hệ quả tất yếu của quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện các thương vụ M&A DN có vốn nhà nước thường bắt nguồn từ những động cơ cụ thể sau:
Động cơ của bên bán/bên đi sáp nhập
Động cơ của bên bán/bên đi sáp nhập chủ yếu bắt nguồn từ những lý do sau:
Một là, cải thiện mức sinh lời của vốn nhà nước tại DN: Trong thương vụ M&A, bên bán/đi sáp nhập là DN có vốn nhà nước. Nhà nước là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại DN. Do vậy, tỷ suất sinh lời của đồng vốn đầu tư tại DN có vốn nhà nước là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư vốn của Nhà nước tại DN. Hiệu quả này gắn chặt với hiệu quả hoạt động của các DN có vốn nhà nước.
Cũng giống như các nền kinh tế khác, hiệu quả hoạt động của các DNNN tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, DNNN chiếm 70% tổng số vốn đầu tư, 50% đầu tư công, 60% vốn tín dụng ngân hàng và 70% vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nhưng chỉ đóng góp khoảng 28%-35% vào GDP, 39,5% vào tổng sản lượng công nghiệp, 50% vào giá trị xuất khẩu, 28,5% vào thuế.
Mặt khác, DNNN hoạt động kém hiệu quả hơn khối DN có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân, vì quản trị tài chính kém hiệu quả, tỷ trọng nợ xấu còn tương đối cao. Sự trì trệ của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Như vậy, hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, đặc biệt là sự lãng phí trong việc sử dụng vốn nhà nước tại các DN này là lý do dẫn đến M&A DN có vốn nhà nước, giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động của DN, tách biệt vai trò điều hành nền kinh tế với vai trò chủ sở hữu của Nhà nước tại DN.
Hai là, tái cơ cấu toàn diện DN có vốn nhà nước: Tham gia vào hoạt động M&A, DN có vốn nhà nước thực hiện chiến lược tái cơ cấu DN một cách toàn diện, gồm hoạt động kinh doanh, tài chính và quản trị. Việc chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức DN, đa dạng hóa cơ cấu sở hữu cho phép DN có vốn nhà nước tại Việt Nam tiếp cận với những thị trường mới, công nghệ hiện đại, mô hình quản trị tiên tiến, cũng như thay đổi cấu trúc tài chính DN. Những lợi ích này đặc biệt rõ rệt khi bên mua là những nhà đầu tư nước ngoài có cùng ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh với DN có vốn nhà nước.
Ba là, tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế nói chung và DN nói riêng: Hoạt động mua bán, sáp nhập DN có vốn nhà nước xét trong ngắn hạn sẽ tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), giải quyết nhu cầu về vốn cho đầu tư và dòng tiền cho NSNN. Xét trong dài hạn, khi hiệu quả hoạt động của DN có vốn nhà nước được cải thiện và nâng cao, mức sinh lời của đồng vốn nhà nước tại DN sẽ gia tăng.
Mục tiêu đến năm 2020, NSNN phải đảm bảo được 250 nghìn tỷ đồng để phục vụ đầu tư trung dài hạn. Do đó, bán phần vốn/tài sản nhà nước tại DN là một cách thức huy động vốn cho nền kinh tế. Đối với DN, M&A DN gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó tăng cường giới hạn nợ vay cho DN, đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư của DN.
Bốn là, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế: Mua bán, sáp nhập DN có vốn nhà nước điều tiết dòng chảy vốn giữa các ngành kinh tế thông qua giảm bớt sự hiện diện của chủ sở hữu nhà nước tại những ngành kinh tế không trọng điểm, tăng cường vai trò của sở hữu ngoài nhà nước trong nền kinh tế. Giảm bớt sự can thiệp và bảo trợ của Nhà nước đối với DNNN cũng như với một số ngành kinh tế không đe dọa đến an ninh quốc phòng là thực hiện cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do. Đây là những tiền đề cần thiết để Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Động cơ của bên mua/bên nhận sáp nhập
Bên mua/bên nhận sáp nhập DN có vốn nhà nước (bao gồm các DN có vốn nhà nước, các DN tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài. Bên mua tham gia vào thương vụ M&A DN nhà nước tại Việt Nam xuất phát từ những lý do sau:
Một là, chiến lược đầu tư dài hạn tại thị trường Việt Nam: Tham gia vào thương vụ M&A DN có vốn nhà nước chính là thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn của bên mua do bên mua sẽ trở thành chủ sở hữu một phần hay toàn bộ phần vốn điều lệ/tài sản của DN mục tiêu. Bên mua được quyền sở hữu tài sản/vốn điều lệ của DN mục tiêu và nhận được lợi nhuận từ việc khai thác tài sản hoặc lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại DN mục tiêu. Đồng thời, bên mua cũng nhận được phần lãi vốn do giá trị tài sản/phần vốn tăng theo giá trị trường.
Hai là, chiến lược thâm nhập và phát triển thị trường Việt Nam: Hoạt động M&A cho phép DN mua, đặc biệt là những DN nước ngoài có thể thâm nhập và phát triển thị trường mới. Thay vì tự xây dựng hệ thống phân phối, khách hàng, lựa chọn nhà cung cấp, tổ chức chuỗi cung ứng, các DN mua có thể mua một DNNN/cổ phần nhà nước để tận dụng những lợi thế kể trên. Không chỉ phát triển thị trường theo chiều rộng, M&A DN còn cho phép các DN nước ngoài khai thác công nghệ và vốn tại một thị trường có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Từ đó, nâng cao mức sinh lời cho chủ sở hữu, gia tăng giá trị DN, vị thế DN trên thị trường.