Dòng tiền bám theo thông tin “nổi”
Nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) không chỉ cần sẵn sàng tâm lý để phản ứng nhanh với các thông tin mới, mà còn cần có sự chủ động, vững vàng cho từng quyết định đầu tư của mình.
Diễn biến chính vài tuần qua là tâm lý dè chừng để chờ đợi con số ước tính GDP quý III/2021, thông tin được giới đầu tư cho là “xấu nhất” cuối cùng cũng được công bố và phản ứng TTCK là khá bình tĩnh dưới góc độ thanh khoản và cả điểm số.
TTCK duy trì xu hướng đi ngang khi đối mặt một loạt thông tin, dự đoán vĩ mô tiêu cực trong và ngoài nước suốt tháng 9/2021. Do vậy, thời điểm hiện tại, khi các thông tin về GDP, xuất nhập khẩu… chính thức được công bố dù xấu cũng khó tạo bất ngờ. Nói cách khác, thông tin xấu về mặt vĩ mô đang ở cuối chu kỳ.
Theo nhận xét của một NĐT kỳ cựu, không hưng phấn thì lấy đâu ra hoảng loạn? Giai đoạn này, tài khoản của nhiều NĐT chỉ có gần 50% giá trị nằm ở cổ phiếu (CP). Chiến thuật đầu tư này giúp NĐT “giữ được tiền” trong những pha rung lắc, giằng co mạnh của thị trường, chấp nhận bỏ qua các cơ hội “đầu cơ” mà theo đánh giá chung là “không đủ sức hấp dẫn, thậm chí phi lý”.
Bên cạnh thông tin về GDP, một yếu tố khác cũng đang tác động ngắn hạn trên TTCK. Với nhiều thông tin luân phiên đưa ra, thị trường có diễn biến giằng co, khiến các NĐT ít kinh nghiệm gặp khó khăn. Thí dụ như với dòng CP than, nhiều NĐT đã bán ra khi có những cây sụt giảm mạnh.
Tương tự, với dòng CP dầu khí, nhiều người bán vội CP mà bỏ quên cập nhật các thông tin hỗ trợ ngắn hạn là giá dầu tăng mạnh, ngược lại nhiều NĐT khác lại mua đuổi CP dầu khí khi đang tăng mạnh. Trong khi đó, cả than và dầu khí đều là những ngành đang hưởng lợi trong “siêu chu kỳ hàng hóa”.
Các hành động này xảy ra ở hầu hết các NĐT mới, ít kinh nghiệm phân tích và tâm lý chưa vững, thậm chí nhiều khi mua CP chỉ vì được “hô mua” mà không hiểu cơ sở, luận điểm cho các kỳ vọng tăng giá, chính vì vậy hay có tâm lý hoang mang khi CP rung lắc.
Các môi giới đã đưa ra tư vấn cho khách hàng về việc nên tập trung nghiên cứu CP của các doanh nghiệp (DN) có câu chuyện riêng. Bối cảnh này chưa cho phép đẩy mạnh tỷ trọng CP lên cao hơn 50%, đồng thời hạn chế mua bán liên tục, kiên nhẫn với hàng sẵn có và chờ các tín hiệu thị trường và thanh khoản.
Trong khi đó, quan điểm của các NĐT kỳ cựu trên thị trường là, với những ngành nghề kỳ vọng sẽ hưởng lợi đã tăng giá mạnh, còn thực tế khi mở cửa thị trường thì sự hồi phục của từng DN là khác nhau, sức chống chọi của DN rất quan trọng.
Nói cách khác, NĐT đang bám sát các thông tin kinh tế vĩ mô, các chính sách hỗ trợ, tiến độ và quyết tâm giải ngân đầu tư công, việc mở cửa cụ thể ra sao, để nương theo đó ra quyết định giải ngân ngắn và dài hạn. Đồng thời, giới đầu tư theo dõi và đo lường khả năng dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường khi mà người dân và DN bắt đầu khôi phục hoạt động kinh doanh.
Phần lớn các NĐT mới vẫn giữ thói quen mua bán liên tục, không để dư tiền mặt trong tài khoản, còn lời khuyên của một số NĐT có thâm niên là, bất kể thị trường có ra sao thì tỷ trọng CP trong quý IV/2021 chỉ nên dưới 50% trong “khúc đuôi cá” này. Chiến thuật giao dịch là đầu cơ kiểu du kích, “đánh nhanh rút gọn”, chốt lời khi CP tăng 7 - 15% và cắt lỗ khi giảm 5 - 7%.