Thị trường phân hóa mạnh
Dự báo về kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) quý III, giới phân tích không cho rằng sẽ toàn một màu xám, bởi vẫn có những doanh nghiệp (DN) công bố lợi nhuận đều đặn theo tháng thể hiện sự ổn định và tăng trưởng.
Dù mức giảm được cho là mạnh hơn đáng kể so kỳ vọng của giới phân tích nói chung, song thị trường khá bình tĩnh khi đón nhận số liệu GDP trong quý III được công bố mới đây. Tuy nhiên, diễn biến giảm của TTCK quốc tế cũng như rủi ro về kết quả SXKD quý III lại là yếu tố khiến thị trường lo ngại.
Dự báo về kết quả SXKD quý III, giới phân tích không cho rằng sẽ toàn một màu xám. Mặc dù phổ biến là nguy cơ sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, song đây là thực tế không khó dự đoán trên cơ sở cả quý III các hoạt động SXKD bị đình trệ.
Vẫn có những DN công bố lợi nhuận đều đặn theo tháng thể hiện sự ổn định, tăng trưởng. Dù vậy kết quả SXKD quý III tổng thể được dự báo là kém và trở thành lực cản cho thị trường, đồng thời tạo sự phân hóa lớn về giá cổ phiếu (CP).
Đánh giá cao khả năng phục hồi lợi nhuận trong quý IV, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng mức độ sẽ không đồng đều bởi tiềm lực của DN không giống nhau. Quan điểm thận trọng cho rằng, ảnh hưởng của quý III và khả năng phục hồi chậm trong quý IV có thể khiến lợi nhuận cả năm thấp hơn kỳ vọng. Quan điểm tích cực nhìn chung nghiêng về các DN giữ được sự ổn định trong quý III sẽ có triển vọng bứt phá trong quý IV.
Thực tế, thị trường chưa phản ánh hết lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như nền kinh tế. Minh chứng là thị trường điều chỉnh chưa mạnh so đỉnh cũ. Điều này là do dòng tiền chưa rút ra ngoài thị trường mà luân chuyển giữa các dòng CP nhưng đang dần yếu đi.
Đà giảm không thật sự quá mạnh, phần nào phản ánh kỳ vọng quý xấu nhất đã qua đi và kinh tế vĩ mô, hoạt động SXKD của các DN sẽ dần khởi sắc từ quý IV, song song với quá trình tiêm vaccine được đẩy mạnh, các quy định giãn cách xã hội (GCXH) dần được nới lỏng.
thị trường đang vận động đi ngang, không điều chỉnh mạnh cũng mang lại kỳ vọng cho nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam sau giai đoạn GCXH, tình hình COVID-19 bớt căng thẳng. thị trường có lẽ chờ đợi báo cáo kết quả SXKD quý III tích cực của một số nhóm CP: tài chính, cảng biển, vật liệu xây dựng, dầu khí… Khi một vài nhóm CP tăng điểm tốt sẽ khiến dòng tiền tham gia tích cực hơn.
Dù không kỳ vọng sự hồi phục mạnh mẽ sẽ diễn ra trong quý IV nhưng mức nền lợi nhuận quý IV được dự đoán sẽ đi ngang so cùng kỳ và xu hướng tăng trưởng sẽ quay trở lại từ quý I năm sau khi các quy định GCXH được loại bỏ hoàn toàn, tương ứng việc tỷ lệ tiêm vaccine trong nước đạt miễn dịch cộng đồng.
Giai đoạn tới sẽ là giai đoạn thị trường phân hóa mạnh, một số dòng CP sẽ giữ được mức độ tăng trưởng và tìm đỉnh cao mới, nhưng nhiều dòng kết quả SXKD sẽ không khả quan, thậm chí thua lỗ. Nhiều DN cần thời gian để phục hồi SXKD cũng như tìm kiếm các hợp đồng mới.
thị trường trong ngắn hạn chưa có nhiều thông tin hỗ trợ, trong kịch bản lạc quan thì khả năng thị trường dao động trong vùng tích lũy kéo dài, các nhịp giảm sẽ là cơ hội để mua gom CP cho thời gian từ ba đến sáu tháng tới.