Dòng tiền mới thị trường "Cơn mưa rào giữa mùa hạ"

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Một lượng tiền lớn vừa được đổ vào thị trường mang sắc thái mới mẻ hay được gọi với tên nhà đầu tư F0 đã khiến thị trường “thay máu” sau khoảng thời gian lao đao vì dịch bệnh. Tuy nhiên, tính bền vững của dòng tiền này như thế nào thì vẫn là một câu hỏi lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đã khá lâu kể từ đầu tháng 4 đến nay thị trường chứng khoán mới chứng kiến một pha giảm sâu 2 phiên liên tiếp của chỉ số Vn-Index với hơn 36 điểm (gần 4%) về vùng 863,52 điểm. Thanh khoản thị trường đã tăng lên khá mạnh với giá trị khớp lệnh trung bình cả 3 sàn đã chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Đây là điều hiển nhiên bởi đã quá nhiều tài khoản đều đang ở trạng thái lãi lớn nên việc thực hiện chốt lời bằng mọi giá.

Mừng ngắn, lo dài

Theo ông Bùi Văn Huy – Giám đốc chiến lược thị trường CTCK TP.HCM (HSC), đà hồi phục của thị trường kể từ đáy ngày 24/3 đến những ngày đầu tháng 6 thành 2 chặng.

Chặng thứ nhất từ đáy khi chỉ số Vn-Index ở vùng 650-800 điểm đây được gọi là pha của phân tích cơ bản – thời kỳ hồi phục khi rơi vào trạng thái quá bán trong ngắn hạn. Ông Huy cho biết, giai đoạn này vẫn còn sự nghi ngờ và các cổ phiếu được bắt đáy phải mang lại một niềm tin lớn để các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.

Giai đoạn này thể hiện đúng kỳ vọng cơ bản khi các cổ phiếu ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như công nghệ thông tin, viễn thông, y tế, bất động sản khu công nghiệp...đã tăng giá tốt.

Các nhà đầu tư F0 dường như không hề quan tâm đến những yếu tố cơ bản (Ảnh: Internet)
Các nhà đầu tư F0 dường như không hề quan tâm đến những yếu tố cơ bản (Ảnh: Internet)
 

Chặng thứ hai là khi chỉ số Vn-Index biến động từ 750-900 điểm có thể gọi là pha của nhà đầu tư F0. Tại giai đoạn này, một lượng tiền lớn của các nhà đầu tư cá nhân mới đã đổ vào thị trường đã khiến chỉ số Vn-Index tăng một mạch từ 750 điểm lên 900 điểm.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), từ tháng 3 đến tháng 5/2020 có tổng cộng 102.427 tài khoản mở mới tương đương với lượng tài khoản mở mới trong 7 tháng cuối năm 2019.

Cùng với đà tăng thẳng đứng của chỉ số các giao dịch trong giai đoạn này cũng rất khác mang sắc màu tiền mới nhiều hơn là các yếu tố cơ bản. Không thể nói thị trường phớt lờ hết yếu tố cơ bản, nhưng thực sự giai đoạn này đã bị mờ nhạt hơn chặng đầu tiên rất nhiều.

Theo chia sẻ từ CTCK SSI, định danh của các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường hiện nay là các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị “ứ đọng” tiền do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đóng băng trong thời dịch, các nhà đầu tư bất động sản chuyển hướng và những nhà đầu tư trẻ có kiến thức, tích lũy hiểu công nghệ - đây cũng là những lực lượng chính của “làn gió mới” này.

Sự đồng thuận của dòng tiền nhỏ nhưng đông đảo đã góp phần tạo nên 2 tháng "mua là thắng" của thị trường chứng khoán. Theo thống kê của chứng khoán Tân Việt, 80 – 90% các mã cổ phiếu trong tháng 4 và 5 đều tạo ra lợi nhuận.

Mặc dù dòng tiền từ các nhà đầu tư mới đã mang lại sự chuyển biến lớn cho thị trường trong thời gian qua nhưng khi nhìn lại lịch sử của thị trường thì những người quan sát lâu năm lại không khỏi đặt câu hỏi.

Lo ngại về tính bền vững

"Những lần thấy một tâm lý hăm hở làm giàu trên thị trường chứng khoán như hiện nay là khi nào? Lần gần đây nhất là cuối năm 2017 đầu năm 2018 khi thị trường chuẩn bị lập đỉnh mọi thời đại hay xa hơn là giai đoạn “chơi là thắng” năm 2007", ông Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đặt câu hỏi rồi tự trả lời khi đề cập tới câu chuyện nhà đầu tư F0

Theo ông, mẫu số chung của các đợt tăng giá này là sự lạc quan vượt ra khỏi các yếu tố cơ bản và sau đó là lao dốc bởi bản chất của đầu tư là khi những người chơi không chuyên ồ ạt đi mua thì nhiều khả năng là lúc những người biết đủ đi bán.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra khá nhiều các phân tích về đặc tính giao dịch của các nhà đầu tư F0 đều cho rằng, nhóm nhà đầu tư này chưa từng bị tổn thương bởi nhịp rơi của thị trường nên không chốt lời quyết liệt mà thậm chí còn có khuynh hướng mua thêm.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi theo thành viên H.L của một diễn đàn chứng khoán “mình bắt đầu giải ngân từ khi thị trường đang ở trong vùng 700 điểm đến nay tài khoản đã lãi hơn 20% nhưng sẽ không chốt lời, do chưa có kinh nghiệm nhiều nên mình sẽ giữ lại những mã nào có lợi nhuận và hạn chế mua vào các mã có mức tăng quá nhiều”.

Tuy nhiên theo chia sẻ từ các chuyên gia phân tích, càng về sau mức độ đầu cơ của thị trường đang được đẩy lên cao hơn và với dòng tiền đầu cơ yếu tố cơ bản của thị trường không quan trọng bằng đặc tính vận động giá và yếu tố kỹ thuật của cổ phiếu.

Hiện nay nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá có thanh khoản cao đang là điểm đến của dòng tiền nhưng cần phải nhắc lại là một mã cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá thì về cơ bản đã là không ổn chưa tính đến tác động của dịch bệnh.

Thậm chí trong nhiều trường hợp giá cổ phiếu còn không phản ánh đúng thực tế hiệu quả kinh doanh mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thông tin chính sách, sóng ngành…, thậm chí là vào các “game” của một bộ phận nhà đầu tư.

Thực tế, sự lạc quan đã khiến thị trường hồi phục nhanh nhưng vẫn cần phải cẩn trọng trước những khó khăn trong tương lai. Tâm lý nhà đầu tư hiện nay đang là tranh thủ kiếm lời và nếu trong hơn 100.000 nhà đầu tư mới kể trên ai cũng đặt ra mục tiêu như vậy cùng với sự thiếu kinh nghiệm thì có thể lịch sử có thể sẽ lặp lại.