Dự kiến đến 2035, tổng sản lượng ngành cơ khí xuất khẩu đạt 45%
Trên bước đà phát triển công nghiệp hóa mạnh mẽ, ngành Công nghiệp cơ khí của Việt Nam được xem như là ngành phát triển “xương sống”, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước. Dự kiến đến 2035, tổng sản lượng xuất khẩu ngành Cơ khí sẽ đạt 45%.
Chia sẻ bên lề buổi họp báo Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi 2018) vừa diễn ra tại Hà Nội, Trưởng bộ môn Kỹ thuật cơ khí (Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội) Phạm Đức Thiên tính toán: Năm 2018, với mức tăng trưởng 20% đối với ngành công nghiệp sản xuất, Việt Nam trở thành đối tác tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra nhiều quan hệ đối tác tiềm năng trong khu vực. Hiện tổng vốn của các công ty cơ khí trong nước đạt khoảng 360 - 380 triệu USD và tổng vốn đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất đạt khoảng 2,1 tỷ USD.
Dự đoán đến năm 2020, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo sẽ có tổng sản lượng xuất khẩu đạt 35%, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí. “Những con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi Việt Nam trở thành điểm đầu tư đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, qua đó tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ để các nhà sản xuất không ngừng nâng cấp công nghệ nhằm cải tiến chất lượng kỹ thuật và cải tiến công nghệ”, ông Phạm Đức Thiên nhận định.
Góp phần phát huy tiềm lực của ngành công nghiệp mũi nhọn này, từ 16-18/10/2018, Công ty UBM Việt Nam sẽ phối hợp các ban, ngành chức năng tổ chức Triển lãm MTA Hanoi 2018 tại Hà Nội. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo cầu nối giao thương hiệu quả cho các doanh nghiệp cơ khí, đơn vị cung ứng và nhà phân phối thiết bị máy móc tại khu vực phía Bắc. Đặc biệt sự kiện sẽ mở ra những cái nhìn tổng quan, đa chiều, nhấn mạnh những mô hình kinh tế mang tính ứng dụng cao cho sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay.