Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tạo nền tảng cho kinh tế vĩ mô
Đó là nhận định của ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Đồng thời, ông Sebastian Eckardt cho rằng dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được đưa ra đúng thời điểm; có nhiều điểm mới, tích cực, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phóng viên: Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). So với luật cũ, dự thảo luật được nhiều chuyên gia đánh giá là có nhiều điểm mới, tích cực. Ông có bình luận gì về điều này?
Ông Sebastian Eckardt: Trước hết, tôi phải nói rằng dự thảo luật này đã được đưa ra đúng thời điểm, bởi nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, Việt Nam có rất nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động với nhiều hoạt động xuyên biên giới phức tạp. Đây cũng là thời kỳ của nền kinh tế số làm thay đổi cách xử lý giao dịch. Những điều này có ảnh hưởng đến hệ thống thuế và tất nhiên Việt Nam còn tốc độ phát triển kinh tế cao, đòi hỏi môi trường pháp lý về thuế phải tiếp tục được thay đổi, hấp dẫn hơn nhằm thu hút thêm dòng vốn đầu tư.
Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ Luật Quản lý thuế rất quan trọng vì tạo nền tảng để hệ thống thuế hoạt động có hiệu lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế vĩ mô với những phát triển mới (như nhiều quy định thuế quốc tế hơn), cũng như đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Đồng thời, hệ thống thuế cũng cần hoạt động hiệu quả hơn đối với Chính phủ, tức là không tốn quá nhiều chi phí để vận hành hệ thống và quan trọng hơn nữa là hiệu quả đối với người nộp thuế, để cho họ không phải quá tốn kém khi tuân thủ các quy định về thuế.
Theo ông, những quy định trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã phù hợp với thông lệ quốc tế chưa?
Nếu xem xét nội dung bản dự thảo luật hiện hành, chúng ta sẽ thấy có một số điểm tiến bộ, gắn hệ thống pháp luật của Việt Nam với các thông lệ quốc tế; đồng thời giải quyết một số thách thức mà tôi đã đề cập.
Ví dụ như dự thảo đã có quy định về quản lý thuế dựa trên rủi ro, quản lý tuân thủ. Đây là điểm quan trọng của một hệ thống thuế hiện đại. Dự thảo luật cũng củng cố thêm các quy định về cơ chế chuyển giá, được xây dựng tại Nghị định số 20. Đà đây cũng là vấn đề rất quan trọng trọng bối cảnh có nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động.
Có một số quy định về hóa đơn điện tử nhằm tận dụng những lợi thế của nền kinh tế số, nhờ thế các công ty cũng dễ dàng tuân thủ quy định về hóa đơn hơn. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng dễ quản lý các hoạt động kinh tế hơn, đảm bảo các quy định thuế có hiệu lực. Các quy định này cũng củng cố nền tảng để sử dụng hồ sơ thuế điện tử, thanh toán điện tử. Rõ ràng là Việt Nam đã có nhiều tiến bộ về khía cạnh này, nhưng dự thảo đã tạo nền tảng để thúc đẩy hơn nữa vấn đề này.
Vậy ông có thể nêu cụ thể hơn về những điểm mới, tiến bộ của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi)?
Vâng, cho phép tôi nêu bật một số lĩnh vực mà chúng tôi thấy có những điểm mới, những nội dung mà có thể tăng cường hơn nữa trong dự thảo luật. Chúng tôi thấy rõ là dự thảo đã tăng cường quy định về cơ chế chuyển giá. Cụ thể là dự thảo đã phản ánh những thông lệ và nguyên tắc tốt, ví dụ như những nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức. Những yêu cầu về báo cáo đối với công ty đa quốc gia cho cơ quan thuế đã phù hợp với thông lệ quốc tế; đặc biệt là luật đã yêu cầu báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, như vậy rất phù hợp với thông lệ tốt nhất trên thế giới.
Ngoài ra, dự thảo luật đã tạo khung pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan thuế của các nước khác. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì các công ty đa quốc gia không chỉ hoạt động ở Việt Nam, mà còn ở nhiều đất nước khác và việc chia sẻ thông tin thuế tốt hơn sẽ đảm bảo các công ty không chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác. Như vậy, những điểm mới này rất hữu ích và chúng được phát triển trên cơ sở những thành quả mà Việt Nam đã thu được trong Nghị định số 20. Đây là một tiến bộ rất có ý nghĩa trong dự thảo luật.
Thứ hai, dự thảo luật đưa ra những quy định cho phép cơ quan thuế thống kê các chi phí của chính sách ưu đãi thuế, tức là những khoản chi phí liên quan đến chính sách ưu đãi thuế dành cho những công ty có những khoản chi phí chịu thuế; ví dụ như chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển. Việc theo dõi chi phí của những chính sách ưu đãi thuế này rất quan trọng vì nó cho phép Chính phủ, Quốc hội và cả người dân đánh giá xem những chính sách miễn giảm thuế đó có hiệu quả về chi phí không, có thực sự đem lại lợi ích kỳ vọng khi phải trả chi phí do phải bỏ qua phần thu thuế đó hay không.
Như đã nói, chúng tôi cũng nghĩ là việc ban hành những nguyên tắc quản lý thuế dựa trên rủi ro làm nền tảng cho hệ thống quản lý thuế có ý nghĩa rất quan trọng. Những quy định pháp lý này rất cần thiết, nhưng để đảm bảo hiệu quả cần đưa những quy định đó thành thông lệ cụ thể. Từ kinh nghiệm quốc tế, quản lý dựa trên rủi ro đã được chứng minh là giúp hệ thống hiệu quả hơn nhờ đảm bảo nguồn lực được dành để quản lý những đối tượng nộp thuế, những giao dịch rủi ro hơn và mang lại nguồn thu thuế lớn hơn cho Nhà nước. Điều này giúp cơ quan thuế thu thuế hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường sự tuân thủ của doanh nghiệp. Bởi, nếu họ tuân thủ đầy đủ các quy định, có hồ sơ nộp thuế tốt thì sẽ được xếp vào nhóm có rủi ro thấp và sẽ không phải thực hiện các quy định về kiểm tra thuế. Như vậy đây là bước đi tích cực, nhưng cần có những hành động cụ thể để hiện thực hóa các quy định trong luật.
Điểm tiến bộ nữa mà chúng tôi nhận thấy là quy định về hóa đơn điện tử. Theo tôi, việc đưa vào quy định này có ý nghĩa tích cực, giúp tăng cường tính minh bạch; giúp cơ quan thuế theo dõi được các hoạt động kinh tế; giảm rủi ro của các giao dịch không chính thức. Khi đưa vào thực hiện, quy định này sẽ giúp giảm bớt chi phí tuân thủ của người nộp thuế, vì các hóa đơn điện tử được tự động lưu trữ nhờ hoạt động của hệ thống máy tính, người nộp thuế không cần báo cáo thêm về giao dịch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ thường gặp khó khăn khi tuân thủ quy định này trong giai đoạn đầu, vì việc này phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ thông tin chung của nền kinh tế. Do đó, cần có cơ chế chuyển tiếp, cho phép những đối tượng nộp thuế nhỏ có giai đoạn chuyển tiếp khi áp dụng quy định này.
Xin cảm ơn ông!