Đưa bảo hiểm tiền gửi về nông thôn

Theo daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh hội nhập, hệ thống tài chính - ngân hàng ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro mới bên cạnh những nguy cơ truyền thống. Trước những thách thức này, chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được Chính phủ sử dụng như một công cụ hữu hiệu nhằm cân bằng sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tài chính - ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế; duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính - ngân hàng và bảo vệ quyền, lợi ích của người gửi tiền, nhất là đối với các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tuyên truyền phải đi trước

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn II. Trong bối cảnh đó, BHTG Việt Nam xác định tuyên truyền chính sách là việc quan trọng cần phải đẩy mạnh, nhất là đối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin và người gửi tiền là đối tượng dễ bị “tổn thương”.

Đưa chính sách tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không chỉ giúp củng cố niềm tin của công chúng, qua đó thúc đẩy sự phát triển các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, mà còn góp phần khơi thông dòng vốn phát triển kinh tế địa phương, góp phần quan trọng thực hiện chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước.

Một trong những “điểm sáng” trong triển khai định hướng tuyên truyền hướng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của BHTG Việt Nam là chuỗi các hội nghị với sự tham gia của các QTDND nhằm truyền thông về chức năng, vai trò, nhiệm vụ của tổ chức BHTG và các quy định pháp luật về BHTG.

Qua những thông tin được phổ biến, các QTDND được làm rõ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm… Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các QTDND trực tiếp nêu ý kiến, góp ý về chính sách cũng như về các hoạt động nghiệp vụ của BHTG Việt Nam, giúp cơ quan này tiếp thu, phản hồi, giải thích.

Như vậy, quá trình tuyên truyền không chỉ là một chiều mà là hai chiều, cùng với cơ quan chịu trách nhiệm thực thi chính sách là BHTG Việt Nam, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách đạt được sự thấu hiểu, chia sẻ nhằm triển khai chính sách ngày càng hiệu quả.

Qua tiếp xúc với các QTDND, người gửi tiền cũng như các hộ kinh doanh cá thể tại các địa phương, nhiều QTDND đã nhận thức tương đối đầy đủ về chính sách BHTG và đã chủ động triển khai tuyên truyền, tư vấn cho người gửi tiền về chính sách. Các tài liệu tuyên truyền do BHTG Việt Nam gửi tới các QTDND cũng bước đầu nhận được phản hồi tích cực như:

Đề xuất BHTG Việt Nam tổ chức các hoạt động nghiệp vụ có kết hợp văn hóa, văn nghệ, hoặc lồng ghép trong khuôn khổ hội nghị của các tổ chức đoàn thể, xã hội. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền chính sách cũng cần được đa dạng hóa để tiếp cận các nhóm công chúng từ nhiều góc độ, thu hút được sự quan tâm, chủ động tìm hiểu của người dân.

Lan tỏa chính sách

Trong năm 2017, BHTG Việt Nam tiếp tục coi tuyên truyền chính sách tới vùng nông thôn là một trong những định hướng quan trọng. Để thực hiện định hướng này, theo lãnh đạo BHTG Việt Nam, các chi nhánh trong hệ thống cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là cơ quan đại diện, là “cánh tay nối dài” của BHTG Việt Nam tại cơ sở. Đi sâu, đi sát, đến với từng người gửi tiền ở khắp các xóm, thôn, làng, bản.

Lợi thế của các chi nhánh BHTG Việt Nam là ở gần các QTDND, dễ tiếp xúc với người gửi tiền tại vùng nông thôn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để đề xuất và triển khai phương án tuyên truyền linh hoạt, phù hợp.

Nhằm đa dạng hóa phương thức truyền thông, BHTG Việt Nam sẽ thí điểm một số hình thức tuyên truyền mới như: Sử dụng các tiểu phẩm có lồng ghép nội dung chính sách để phát trên các đài truyền hình, đài phát thanh địa phương; tham gia các hội nghị thành viên của các QTDND để triển khai tuyên truyền chính sách trực tiếp tới các thành viên của quỹ; phối hợp với chính quyền xã, thôn, các hội, đoàn thể tổ chức các buổi tìm hiểu, thảo luận về chính sách BHTG…

Trong trường hợp xuất hiện thông tin tiêu cực về hoạt động ngân hàng, BHTG Việt Nam cần có phản ứng nhanh, tuyên truyền trấn an người gửi tiền, tránh gây đổ vỡ dây chuyền, đồng thời truyền tải đến người gửi tiền được bảo hiểm thông tin đầy đủ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, qua đó ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương.

Khi có điều chỉnh về chính sách BHTG, BHTG Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để thông tin đầy đủ, kịp thời tới mọi tầng lớp công chúng, giúp người dân hiểu đúng chính sách, từ đó nâng cao nhận thức, hình thành “thói quen” ứng xử phù hợp trước mỗi thông tin về hoạt động ngân hàng.

Trên thực tế, BHTG Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước; góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống các TCTD; bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đặc biệt,  BHTG Việt Nam là nhân tố quan trọng trong việc phát huy nguồn vốn nội lực để phát triển kinh tế, giữ vững ổn định, an ninh kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để phát huy hiệu quả của chính sách BHTG, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, BHTG Việt Nam càng cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG. Người gửi tiền tại vùng nông thôn đã, đang và sẽ là một trong những trọng điểm tuyên truyền của BHTG Việt Nam, qua đó giúp chính sách lan tỏa và đi vào cuộc sống.