Đừng để tuột cơ hội khi dòng vốn ngoại vào Việt Nam

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Liên tiếp trong thời gian gần đây hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đón nhận những thông tin tích cực từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Tất nhiên, để đẩy nhanh quá trình này và tận dụng cơ hội, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện cần và đủ về nguồn nhân lực hay năng lực của chính các doanh nghiệp nội nếu muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Việt Nam được kỳ vọng trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu.
Việt Nam được kỳ vọng trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu.

Sau thông tin “gã khổng lồ” Apple đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook ở Việt Nam, Tập đoàn Foxconn – doanh nghiệp đảm nhiệm gia công các sản phẩm cho hãng công nghệ Apple cũng đã ký kết thuê lại 50,5ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang với dự định sẽ đầu tư vào dự án mới ở khu công nghiệp này khoảng hơn 300 triệu USD, sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương.

Kỳ vọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu

Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang âm thầm đến để tham gia các hoạt động tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài mới đây, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại tại Thuỵ Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, chia sẻ sau những biến cố liên tiếp của thị trường như chiến tranh thương mại, đại dịch, xung đột quân sự…, có thể nhận thấy đầu tư, thương mại, sản xuất, dịch vụ đang có sự chuyển dịch ở mọi cấp độ và phạm vi.

Bà Thúy chỉ rõ, trước đây, các nước Bắc Âu chưa đầu tư nhiều tại Việt Nam nhưng đang có xu hướng chuyển dịch. Nếu chỉ tính riêng đầu tư mới trong 7 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch vươn lên thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam.

"Đầu tháng 11 tới, Thái tử kế vị Đan Mạch sẽ thăm Việt Nam cùng với 31 tập đoàn và doanh nghiệp lớn, trong đó có 3 quỹ tín dụng và đầu tư. Ngoài lĩnh vực công nghiệp, Đan Mạch cũng rất mạnh về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Dân số chỉ 5 triệu người, Đan Mạch đang sản xuất lương thực, thực phẩm cho 15 triệu người nhưng lượng khí thải lại thấp nhất châu Âu. Hiện, đoàn 13 doanh nghiệp (DN) Đan Mạch đã có mặt ở Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển dịch đầu tư và kinh doanh của Đan Mạch về Việt Nam" - bà Thúy khẳng định.

Ngoài Đan Mạch, DN Thụy Điển và Na Uy cũng quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp dược, chế biến thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo…

Bà Thúy tiết lộ, các doanh nghiệp Thuỵ Điển cũng quan tâm tới lĩnh vực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đây cũng là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần tận dụng cơ hội để đón đầu các xu hướng dịch chuyển mới này.

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư mới mà nhà đầu tư truyền thống cũng đang có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây, ông Sasaki Nobuhiko - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) dẫn kết quả mới nhất từ cuộc khảo sát các công ty Nhật Bản do tổ chức này thực hiện cho thấy, tỷ lệ các công ty trả lời có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới là 55%, cao nhất trong số các nước ASEAN. Các doanh nghiệp Nhật xem Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng.

Thiếu lao động có tay nghề cao

Có thế thấy lợi thế để thu hút FDI là điều không cần bàn cãi, điều đáng quan tâm lúc này là chuẩn bị như thế nào để tận dụng nhiều hơn các cơ hội từ làn sóng đầu tư. Trong đó, có lẽ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm hơn cả.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, chia sẻ ngành công nghiệp điện tử thế giới tập trung vào hai đặc điểm là vốn và công nghệ nhưng riêng Việt Nam vừa có 2 đặc điểm chung đó, còn có đặc điểm riêng đặc thù là thâm dụng lao động. Hiện nay, các DN điện tử cần lao động có tay nghề nhưng Việt Nam đang thiếu.

Dẫn tới, mặc dù Việt Nam được xem là cứ điểm để sản xuất điện tử thế giới nhưng do thiếu hụt lao động có tay nghề cao, cấp quản lý cao cấp. Kết quả, các doanh nghiệp phải “nhập khẩu” chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam và trả chi phí nhân công rất cao, trong khi người lao động Việt Nam đa phần làm những công đoạn giản đơn, thu nhập thấp.

Trước làn sóng tập đoàn đa quốc gia đầu tư mạnh vào ngành điện tử, bà Hương kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động điện tử. Hiện nay, DN điện tử khi sử dụng lao động, kể cả sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học vẫn phải về đào tạo lại.

Thêm vào đó, một trong những mong mỏi cũng được bà Hương đề cập đó là thu hút FDI làm sao cần tạo sức lan tỏa để nhiều DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, chứ không phải "ông lớn" mang DN của họ ở nước ngoài vào Việt Nam để tạo “cứ điểm”. "Điều này xảy ra, chúng ta sẽ mất hết cơ hội cho DN Việt Nam, khi đó mình chỉ là nơi cho DN nước ngoài chiếm dụng đất đai, tiêu thụ nguồn năng lượng không thể tái tạo".

Bởi vậy, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh mới cho rằng, Việt Nam là sự lựa chọn của các nhà đầu tư dựa trên xu hướng chuyển dịch vốn khỏi Trung Quốc và chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đặt vấn đề ngược lại là sự lựa chọn đó có phù hợp với chiến lược của Việt Nam là hướng vào dòng vốn chất lượng cao, đầu tư mang tính lan toả, giúp thay đổi bộ mặt đất nước hay không.

"Nếu muốn chất lượng thì bản thân chúng ta phải đặt đầu bài cho các nhà đầu tư về hiệu quả, tính lan toả dự án. Không chỉ giải quyết về lao động, lợi thế xuất khẩu bằng ưu đãi thuế từ các FTAs, mà còn phải là tính lan toả, công nghệ, thay đổi kỹ năng quản trị", ông Thành nhấn mạnh. 

Cũng theo Viện trưởng Võ Trí Thành, Việt Nam phải nghĩ và chuẩn bị tốt hơn về hạ tầng, nhân lực, làm sạch đất đai để họ đặt cứ điểm... Nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng phát triển xanh, tạo ra sản phẩm xanh. Đây là điều mà chúng ta đã làm nhưng cần phải thúc đẩy mạnh hơn.  

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

Sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới. Nhờ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư. Có thể thấy Việt Nam đang có cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia.

 

PGS.,TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Chúng ta muốn nắm bắt cơ hội thì phải có sự chuẩn bị, tư duy vượt lên trước. Tại sao chúng ta cần vượt lên trước, thay vì việc cứ tham gia các hiệp định thương mại tự do, rồi thu hút đầu tư nước ngoài, chạy theo số lượng để rồi kết quả câu chuyện xuất nhập khẩu đang nghiêng cán cân khá lớn về tỷ trọng của khối ngoại. DN FDI chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu và cũng hơn 60% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy là chúng ta đang thất thu lợi ích cả từ hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Do vậy, đây cũng là thời điểm mà Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực nội lực của mình, có chiến lược rõ ràng, thay vì thụ động rón rén chờ cơ hội.

Bà Trần Thị Thu Trang - Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT., JSC)

Thực tế là các DN FDI tại Việt Nam cũng luôn tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa. Có lần một DN đã nói với chúng tôi rằng: “15 năm qua đã ở đâu mà để họ đi tìm mãi mới ra”. Điều này cũng thể hiện mong muốn, thiện chí đưa DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng thực tế để vào chuỗi lại là câu chuyện không hề dễ dàng với chúng ta, để được lựa chọn, trước hết DN Việt phải cho họ thấy tầm nhìn phát triển bền vững của mình. Nếu không phát triển bền vững, kể cả có sản phẩm giá tốt, chất lượng cao cũng khó vào chuỗi.