Giải mã thông tin thị trường xăng dầu và những hiến kế của chuyên gia với Bộ Công Thương
Câu chuyện bình ổn thị trường xăng dầu chưa bao giờ hết “nóng”, xuyên suốt thời gian vừa qua, quan điểm của Bộ Công Thương không chỉ quan tâm giải pháp ứng phó trước mắt, Bộ đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, linh hoạt đảm bảo hiệu quả điều hành với một mặt hàng mang tính chiến lược nhưng rất nhạy cảm với các diễn biến chính trị trên thế giới cũng như diễn biến trong nước.
Điều hành kịp thời cung cầu- không né tránh trách nhiệm
Không nằm ngoài dự đoán, ngay từ những chất vấn đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022, nhiều câu hỏi “nóng” liên quan cung ứng, điều hành giá xăng dầu…, dồn dập được các đại biểu đặt ra, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Không chỉ vậy, ngay sau phiên chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một số chuyên gia kinh tế gắn “câu chuyện Nghi Sơn” và cho rằng, nội dung trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là “có vấn đề” ở chỗ “tạo cho người nghe Bộ này không hề có trách nhiệm trong câu chuyện cung – cầu xăng dầu trong nước” và đặt câu hỏi: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tuyên bố 2 tháng tới không cung cấp được đầu ra thì làm thế nào? Thế nên, đó là vấn đề điều hành năng lượng quốc gia mà người điều hành chiến lược năng lượng quốc gia, trong đó dự trữ lưu thông là Bộ Công Thương phải có trách nhiệm, phải có phương án trong trường hợp khẩn cấp". Hay, với biến động giá xăng dầu thế giới như hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu phải là giải pháp hàng đầu. Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước không được thiếu bằng bất cứ giá nào. Bộ Công Thương phải có trách nhiệm và có giải pháp kịp thời trong mọi thời điểm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không ngại ngần bày tỏ khó khăn tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là có thật, hiện nhà máy vẫn chưa có kế hoạch giao hàng trong tháng 4, tháng 5 và chưa rõ kế hoạch vận hành lại sau tháng 5.
Tuy nhiên ngay từ khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, Bộ trưởng đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và huy động các nguồn xăng dầu từ nguồn dự trữ và từ các nhà sản xuất.
Nếu theo dõi và đánh giá công tâm có thể khẳng định nỗ lực trách nhiệm của Bộ Công Thương thời gian qua khi đã có điều hành kịp thời để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu “huyết mạch” cho nền kinh tế. Cụ thể, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối trong tổng số 35 doanh nghiệp nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu (gồm 840 nghìn m3 xăng và 1,56 triệu m3 dầu) để bù đắp thiếu hụt, đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng trong quý II/2022 nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không đủ cung ứng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tuyệt đối không thiếu xăng dầu ở 16.200 đại lý và cửa hàng bán lẻ, 300 nhà phân phối, 35 doanh nghiệp đầu mối trên cả nước.
“Việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân”.- người đứng đầu ngành Công Thương nêu rõ quan điểm.
Lời khẳng định mạnh mẽ đó của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước cũng đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm bình ổn thị trường của ngành Công Thương ở mọi thời điểm từ trước đến nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS.Vũ Đình Ánh và một số chuyên gia khác cho biết, cách diễn đạt của một số cơ quan báo chí có thể chưa chính xác với ý của người nói có thể dẫn đến hiểu chưa đúng. Thực tế, các chuyên gia không đánh giá, nhận xét mà chỉ đưa ra những góp ý làm sao để đảm bảo công tác quản lý, vận hành thị trường xăng dầu tốt hơn trong thời gian tới.
Chuyên gia “hiến kế”
Đề xuất giải pháp ứng phó với giá dầu tăng cao như hiện nay, một số chuyên gia kinh tế cũng “hiến kế”, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới bán dầu dự trữ chiến lược hoặc thương mại để bình ổn thị trường và tăng thu ngân sách, đảm bảo điều tiết thị trường khi giá dầu cao. Khi thị trường biến động giảm, có thể mua vào để gia tăng dự trữ và đây là bài toán kinh tế nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.
Góp ý thêm TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta sẽ phải quan tâm đúng mức đối với vấn đề về dự trữ chiến lược đối với xăng dầu. Việc đầu tiên đó là phải có một cơ sở hạ tầng riêng, không thể hoàn toàn trông cậy vào các doanh nghiệp đầu mối và bản thân các doanh nghiệp đầu mối cơ sở hạ tầng của họ cũng chưa phải là tốt để có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Thứ hai, là chúng ta phải có một nguồn lực tài chính hay nguồn ngoại tệ để làm sao có thể dự trữ được xăng dầu với một mức đủ để giúp cho ổn định thị trường xăng dầu trong nước trước những biến động.
Và vấn đề thứ ba trong dự trữ về chiến lược xăng dầu, chúng ta nên thay đổi các phương thức kinh doanh xăng dầu như hiện nay. Hiện nay Việt Nam chủ yếu áp dụng các biện pháp giao ngay khi kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, có rất nhiều các cái công cụ, như là công cụ mua bán kỳ hạn, công cụ mua bán tương lai trên thị trường xăng dầu mà người ta sử dụng khá là phổ biến.
Về việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác... Khi sử dụng hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao thì sẽ kiến nghị áp dụng các biện pháp hỗ trợ an sinh (sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu) để giữ ổn định vĩ mô, giữ chỉ số CPI, không để đối tượng dễ tổn thương khó khăn thêm.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lê Đăng Doanh- nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, ngoài biện pháp hỗ trợ an sinh cũng phải tìm cách ứng phó mạnh hơn với việc tăng giá xăng dầu trước những biến động giá xăng dầu trên thế giới.
Liên quan đến vấn đề thuế, phí xăng dầu, vị chuyên gia này nhấn mạnh, giảm phí thuế là điều thực hiện được, nhưng Bộ Công Thương nên thống nhất với Bộ Tài chính, vì nguồn thu từ xăng dầu là nguồn thu tốt nhất, chỉ cần nhập về thì Bộ Tài chính có thể thu được ngay. “Nếu giảm thì tôi nghĩ rất thuận lợi đối với người dân và doanh nghiệp. Nhưng đối với Bộ Tài chính, nguồn thu ấy sẽ được thay thế như thế nào, thì đó là vấn đề 2 Bộ nên thống nhất với nhau”- ông Doanh nói.
Ngoài ra TS. Lê Đăng Doanh nêu ý tưởng, đối với Việt Nam, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất, lưu thông, an sinh xã hội,... vì thế, chúng ta phải luôn nhạy bén tìm ra giải pháp để thoát khỏi các khó khăn, hạn chế. “Thay vì sử dụng nhiều xăng dầu, có thể tăng thêm việc sử dụng than và các nguyên liệu khác, như tăng thêm tỷ lệ năng lượng tái tạo, đó đều là những yếu tố mà chúng ta có thể cố gắng được”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.
Với tinh thần cầu thị, Lãnh đạo Bộ Công Thương luôn luôn khẳng định sẽ trân trọng lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý chân thành, mang tính, xây dựng của các chuyên gia kinh tế, báo chí và người tiêu dùng xung quanh vấn đề điều hành, quản lý mặt hàng xăng dầu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngành.
Mặc dù thị trường xăng dầu thế giới còn tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường nhưng Bộ Công Thương luôn cố gắng, nỗ lực ở mức cao nhất, phối hợp với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân. |