Giải pháp cho xuất khẩu nông sản phát triển bền vững
Sản xuất xanh đã trở thành xu hướng của thế giới và là yêu cầu bắt buộc đối với mọi ngành hàng trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Việt Nam cần chuyển dịch mạnh mẽ, bắt kịp xu thế chung nếu muốn phát triển bền vững.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, xuất khẩu nông sản Việt Nam liên tục lập kỷ lục với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch tỷ đô. Song, trong những tháng đầu năm 2025, thị trường nông sản xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm.
Tính đến cuối tháng 4, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 1,62 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 130 triệu USD, giá trị xuất khẩu thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng gặp khó khăn khi giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 522,1 USD Mỹ/tấn, giảm tới 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những giải pháp để gỡ nút thắt cho nông sản xuất khẩu là chuyển đổi mô hình sản xuất hướng đến sản xuất xanh. Đây là xu hướng của thế giới cũng là yêu cầu bắt buộc đối với mọi ngành hàng. Nếu muốn phát triển bền vững, Việt Nam bắt buộc phải bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới.
Tại Việt Nam, nông nghiệp xanh cũng dần được mở rộng. Đến nay, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã được lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình là mô hình sản xuất sầu riêng sạch đang được triển khai tại Cái Bè và Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang.
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng đã cho ra mắt nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” và cấp phép cho 6 doanh nghiệp đủ điều kiện. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe về phát thải carbon.
Ngoài ra, tăng cường phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp đang được ngành sản xuất nông nghiệp tích cực triển khai. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có nhiều đề án để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh như: Đề án sử dụng phân bón hữu cơ; Đề án phát triển và sử dụng chế phẩm sinh học...
Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất, cơ cấu thị trường xuất khẩu ngành hàng cũng cần được xây dựng theo hướng đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ tập trung vào một thị trường để tránh cho nông sản Việt bị tổn thương trước những biến động chính sách hoặc rào cản thương mại của nước nhập khẩu.
Một điểm nghẽn nữa trong xuất khẩu hàng nông sản cần được tháo gỡ đó là cần quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng trồng bài bản, nâng cao chất lượng nông sản. Đối với xuất khẩu trái cây, các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây cần được hỗ trợ và khuyến khích áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn quốc tế như: GlobalGAP, Organic, các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật của Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc... để thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường và đa dạng hóa thị trường.
Ngoài ra, để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu nông sản Việt cần cải thiện hệ thống logistics và tận dụng tốt hơn nữa những thuận lợi từ các hiệp định FTA Việt Nam đã ký kết mang lại để giảm thiểu các thuế quan và rào cản kỹ thuật.
Việc ứng dụng các phương thức canh tác thân thiện với môi trường không chỉ là định hướng phát triển mà đã trở thành yêu cầu cần thiết để ngành nông nghiệp có thể duy trì khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần xuất khẩu.
Đứng trước yêu cầu đòi hỏi của thị trường và xu hướng phát triển trên thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nhanh chóng chuyển mình hướng tới sản xuất sạch, xanh và xây dựng một hệ sinh thái sản xuất hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường minh bạch từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao giá trị và uy tín nông sản Việt trên thị trường quốc tế, hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững.