Giải pháp chống thất thu thuế nhập khẩu ở Việt Nam


Thuế là một khoản đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên hiện nay vẫn có không ít doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm kê khai nộp thuế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các hành vi gian lận, trốn thuế. Chống gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế là vấn đề đặt ra đối với cơ quan chức năng trong thực thi chính sách, đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp cũng như góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Bài viết phân tích các trường hợp làm thất thu thuế nhập khẩu, qua đó đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, chống thất thu thuế nhập khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khái quát về thuế nhập khẩu

Theo Luật thuế Xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13: Thuế nhập khẩu là loại thuế gián thu đánh vào những loại hàng hóa được phép nhập khẩu qua biên giới Việt Nam bao gồm cả trường hợp từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước. Theo đó, đối tượng chịu thuế là hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Người kê khai và nộp thuế là chủ hàng hoá nhập khẩu hoặc tổ chức nhận ủy thác nhập khẩu.

Thuế nhập khẩu là thuế gián thu cộng vào giá cả hàng hoá dịch vụ và đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, dó đó sắc thuế này thực hiện được vai trò:

(i) Là cơ sở để Nhà nước kiểm soát được số lượng, chất lượng và tác động của hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường tiêu dùng trong nước Việt Nam.

(ii) Góp phần điều tiết kinh doanh và định hướng tiêu dùng sản phẩm trong nước.

(iii) Góp phần bảo hộ và phát triển nền sản xuất trong nước.

(iv) Góp phần thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và thực hiện các chính sách đối ngoại.

(v) Giúp Nhà nước cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Các trường hợp làm thất thu thuế nhập khẩu

Thất thu thuế là khoản tiền thuế bị đối tượng nộp thuế chiếm dụng, không nộp đúng, nộp đủ theo quy định của chính sách thuế.

Thất thu thuế nhập khẩu là khoản tiền thuế nhập khẩu bị tổ chức, cá nhân có hàng hoá nhập khẩu chiếm đoạt, không nộp đúng, nộp đủ theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu, thực hiện không đúng quy định của Nhà nước về hải quan, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện đối với hàng quản lý chuyên ngành.

Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến thất thu mới có thể đưa ra các giải pháp chống thất thu thuế một cách cụ thể và hiệu quả. Có thể phân loại các trường hợp thất thu thuế theo nguyên nhân thất thu thuế, theo hành vi gây thất thu thuế như sau:

Nguyên nhân thất thu thuế

Thất thu do nguyên nhân khách quan: Sự thay đổi thường xuyên về chính sách thuế của Nhà nước để phù hợp với điền kiện hội nhập cũng dẫn đến sự khó khăn trong công tác quản lý, tính cập nhật của cán bộ hải quan cũng bị hạn chế.

Sự phát triển quá nhanh của khoa học kỹ thuật để áp dụng sản xuất ra các sản phẩm mới cũng gây trở ngại trong công tác quản lý, nhiều mặt hàng còn nằm ngoài danh mục hàng hoá chịu thuế nhập khẩu khi đưa vào thị trường trong nước. Môi trường kinh tế quốc tế cũng có những ảnh hưởng... Tất cả đều là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) có hoạt động nhập khẩu thực hiện các hành vi trốn thuế, không nộp đúng, nộp đủ số thuế theo quy định.

Thất thu thuế nhập khẩu do nguyên nhân chủ quan: Đó là các khoản thất thu thuế phát sinh do các cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế khi thực hiện hoạt động nhập khẩu hàng hoá. Các hành vi được tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực hiện như: Hàng hóa nhập khẩu khai báo chung một mức giá cho nhiều dòng hàng, khai giá tính thuế thấp hơn giá trị thực tế thanh toán, khai sai tên hàng đối với mặt hàng thực nhập đặc biệt là các mặt hàng chưa có trong biểu thuế nhập khẩu để được hưởng thuế suất thấp, ghi sai số lượng, trọng lượng mặt hàng, ghi sai hoặc làm giả chứng nhận xuất xứ để giảm mức thuế nhập khẩu, kê khai hàng nhập khẩu để gia công cho đơn vị nước ngoài, nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng kê khai định mức sản xuất cao hơn định mức tiêu hao thực tế, chênh lệch mang đi tiêu thụ trong nước. Nhiều trường hợp xin gia hạn nộp thuế để nhập được hàng hoá vào thị trường trong nước sau đó bỏ trốn.

Hành vi gây thất thu thuế

Gian lận trong việc áp mã số thuế để xác định thuế suất thuế nhập khẩu: Mỗi sản phẩm nhập khẩu sẽ có mã số thuế khác nhau. Tuy nhiên, với thực trạng tự tính thuế, tự khai thuế nhập khẩu hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp thực hiện hành vi khai sai mã số thuế của hàng nhập khẩu để được áp dụng các mức thuế suất thấp hơn thực tế, làm giảm số thuế nhập khẩu phải nộp cho Nhà nước. Thậm chí cho nhiều đơn vị nhập khẩu cố tình tháo rời các linh kiện hoặc làm thay đổi kết cấu hoặc tính chất sản phẩm để khai báo sai mã số thuế của hàng NK để hưởng mức thuế thấp. Hành vi này xuất phát từ tính phức tạp của hàng hoá, về cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mới được tạo ra trên thị trường.

Gian lận về khai báo giá tính thuế: Nhiều doanh nghiệp cố tình lợi dụng tính sơ hở và chưa cập nhật giá của cơ quan hải quan để khai báo giá tính thuế thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch. Thực tế qua phát hiện các hành vi gian lận về giá tính thuế, nhiều trường hợp chỉ khai báo chưa đến 10% giá trị thực tế. Bênh cạnh đó, nhiều trường hợp còn thông đồng với đối tác nước ngoài trong việc lập hoá đơn, chứng từ với giá thấp để giảm mức thuế nhập khẩu phải đóng vào ngân sách nhà nước. Như vậy, hành vi điều chỉnh giá trị của hàng hoá để làm thay đổi mức thuế phải nộp là một hành vi rất phổ biến và tinh vi hiện nay, điều này làm thất thoát không nhỏ trong khoản thu ngân sách từ thuế nhập khẩu.

Gian lận trong định mức nhập khẩu hàng hoá: Hành vi này thường được thực hiện bởi các doanh nghiệp gia công cho nước ngoài hoặc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Hàng hoá nhập khẩu để gia công rồi xuất khẩu sản phẩm gia công ra nước ngoài sẽ được miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu. Nhiều trường hợp các đơn vị gia công khai báo sai định mức tiêu hao, định mức hao hụt khi nhập khẩu nguyên liệu, cụ thể khai báo định mức cao hơn. Sau đó DN mang các sản phẩm sản xuất được từ nguồn nguyên liệu chênh lệch để tiêu thụ trong nước mà không phải đóng thuế nhập khẩu cho nguyên liệu nhập khẩu đó. Hành vi này cũng được thực hiện tương tự khi nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất ra các sản phẩm xuất khẩu.

Gian lận trong khai báo xuất xứ: Mỗi quốc gia sẽ có cam kết thương mại riêng đối với Việt Nam, do đó mức thuế suất thuế nhập khẩu cũng sẽ khác nhau khi hàng hoá có xuất xứ khác nhau. DN nghiên cứu vấn đề này nên cũng đã thực hiện hành vi gian lận trong khai báo xuất xứ để được hưởng mức thuế suất tốt hơn. Cụ thể, các DN sẵn sàng làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hoặc khai báo sai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Thủ thuật thực hiện hành vi bằng cách quá cảnh và một quốc gia có mức thuế xuất thấp để khai báo, làm giả, thay đổi xuất xứ lô hàng.

Lợi dụng chính sách ưu đãi, miễn thuế nhập khẩu: Theo quy định hiện tại có nhiều trường hợp được miễn thuế nhập khẩu như tạm nhập tái xuất, nhập khẩu phục vụ cho hoạt động dầu khí. Các DN lợi dụng các chính sách này để thực hiện hành vi khai báo miễn thuế nhưng thực tế sử dụng các sản phẩm nhập khẩu không đúng mục đích đã khai báo.

Thiếu tính cẩn trọng trong khâu rà soát, thu thuế: Hiện tại sắc thuế này theo cơ chế tự khai, tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện thất thu thuế cũng cho thấy sai sót của cán bộ hải quan trong khâu rà soát, kiểm tra hàng hoá cũng như tính toán lại số thuế phải nộp. Bên cạnh đó, do tính đa dạng hàng hoá dẫn đến vẫn còn tồn tại các sai sót dẫn đến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng.

Giải pháp tăng cường quản lý, chống thất thu thuế nhập khẩu

Qua việc nhận diện các hành vi gây thất thu thuế nhập khẩu, tác giả đề xuất một số giải pháp để ngăn chặn, chống thất thu thuế nhập khẩu như sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật về chính sách thuế nhập khẩu cho các DN. Nhà nước cần đưa ra các chế tài mạnh hơn cho hành vi vi phạm về thuế nhập khập khẩu. Qua đó, DN nhận diện và ý thức được hành vi gây thất thu thuế của mình. Bên cạnh đó việc nâng cao năng lực quản lý, năng lực kiểm tra kiểm soát hải quan, năng lực xử lý vi phạm. Cán bộ hải quan phải thường xuyên cập nhật những thay đổi mới về quy định tính thuế, về thuế suất và đặc biệt là danh mục hàng hoá nhập khẩu thì mới có thể hạn chế, chống thất thu đối với khoản thuế này.

Hai là, về mã số thuế, thuế suất thuế nhập khẩu: Để khắc phục tình trạng áp dung sai mã số thuế của hàng hoá, Nhà nước cần thiết phải chuẩn hoá danh mục và mã số thuế của sản phẩm hàng hoá nhập khẩu. Cán bộ hải quan cần phân loại xác định mã hàng trước khi hàng hoá đến cửa khẩu để chủ động trong việc xác định số thuế nhập khẩu. Với biểu thuế xuất nhập khẩu thì cần xây dựng theo bản chất, tính chất của hàng hoá. Xây dựng biểu thuế chi tiết khớp với danh mục mã hàng nhập khẩu và công khai biểu thuế này.

Ba là, về gian lận trong khai báo giá: Cần đẩy mạnh triển khai các chuyên đề kiểm tra trị giá, tập trung vào những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao, tần suất nhập khẩu nhiều, kim ngạch lớn; Tăng cường kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện những sai sót trong kiểm tra trị giá. Nghiên cứu danh mục sản phẩm hàng hoá nhập khẩu, xác định các sản phẩm thay thế, sản phẩm tương tự để xác định trị giá phù hợp. Xét thấy, việc xác định trị giá tính thuế cần được ban hành văn bản một cách chi tiết và cụ thể để hướng dẫn cán bộ hải quan áp dụng một cách thống nhất và hiệu quả; Tránh trường hợp áp dụng sai giá trị dẫn đến thất thu lớn nguồn NSNN.

Bốn là, về định mức khai báo khi nhập khẩu: Đây là hành vi dễ thực hiện nên thủ thuật này được nhiều đơn vị nhập khẩu áp dụng. Do đó, đơn vị hải quan cũng cần rà soát, thu thập thông tin về định mức tiêu hao sản phẩm, phối hợp với các cơ quan chức năng khác như chi cục thuế, cục thuế, để kiểm tra định mức, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý thuế. Xác định lại số nguyên liệu sử dụng để sản xuất ra sản phẩm khi tái xuất ra nước ngoài từ đó phát hiện và xử lý các trường hợp khai gian định mức.

Năm là, chính sách ưu đãi, miễn thuế, gia hạn nhập khẩu: Với điều kiện ở nước ta hiện nay thì chính sách ưu đãi, miễn thuế hay gia hạn thuế nhập khẩu là một công cụ động viên, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cơ quan hải quan cũng cần xem xét các trường hợp này để hạn chế tối đa rủi ro trốn thuế. Đối với các tờ khai ưu đãi hay miễn thuế cần rà soát ngay ở giai đoạn nhận tờ khai tránh trường hợp DN khai gian để được hưởng lợi. Trường hợp gia hạn thuế cần siết chặt quản lý, kiểm tra điều kiện gia hạn cũng như thực hiện nghĩa vụ của DN. Đặc biệt, chú trọng giải pháp bảo lãnh nợ thuế một cách chặt chẽ, hiệu quả.

Sáu là, trường hợp nợ đọng thuế: Cơ quan hải quan cần thực hiện một cách quyết liệt biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ thuế; Tăng cường xử phạt chậm nộp. Gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác thu thuế, phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện có hiệu quả, thu đúng, thu đủ các trường hợp nợ đọng thuế.

Bảy là, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, đây là một hoạt động cần thiết phải được lập kế hoạch và thực hiện cụ thể để phát hiện các sai phạm xảy ra sau nhập khẩu thay vì chỉ tập trung kiểm tra trước và trong giai đoạn nhập khẩu. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra sau thông quan đủ năng lực trình độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm ở giai đoạn này.

Bên cạnh chế tài xử lý vi phạm, cơ quan quản lý nên đưa ra chính sách khen thưởng đối với các trường hợp phát hiện gian lận trong khai báo thuế để tăng cường quản lý tốt hơn sắc thuế này cũng như góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật số 107/2016/QH13 về Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  2. Chính phủ (2016), Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
  3. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  4. Chính phủ (2021), Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi về thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  5. https://mof.gov.vn;
  6. https://baochinhphu.vn.

* ThS. Nguyễn Thị Đoan Trang – Trường Đại học Duy Tân

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022