Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại tại Việt Nam
Giai đoạn 2017-2022, hệ thống hạ tầng logistics nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng của Việt Nam đã được đầu tư phát triển nhanh và phát huy hiệu quả cao. Nhiều trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến và được tiêu chuẩn hóa đã đi vào hoạt động, góp phần giảm gánh nặng cơ sở hạ tầng logistics. Bài viết khảo sát về tình hình xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics của Việt Nam thời gian qua, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới.
Thực trạng kết cấu hạ tầng logistics của Việt Nam
Theo Bộ Công Thương (2022), hạ tầng logistics của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.
Trong giai đoạn 2017-2022, hệ thống hạ tầng logistics nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng của Việt Nam đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao; nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể:
Về đường bộ
Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế. Cả nước hiện có tổng chiều dài đường khoảng 595.201 km, trong đó đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25.560 km. Song song với chất lượng hạ tầng được cải thiện, chất lượng vận tải đường bộ được nâng cao, giảm đáng kể thời gian đi lại. Các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng trên các trục giao thông xương sống của khu vực, kết nối liên vùng có sức lan tỏa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền và cả nước.
Về đường sắt
Bước đầu hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã được quan tâm đầu tư, từng bước được cải tạo, nâng cấp. Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, trong đó 2.703 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh, bao gồm 07 tuyến chính. Mật độ đường sắt đạt khoảng 9,5 km/1000 km2 (là mức trung bình của khối ASEAN và thế giới). Năng lực khai thác trên hầu hết các tuyến đường sắt chính hiện đạt khoảng 17- 25 đội tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác tàu khách, tàu hàng trung bình 50-70 km/h (lớn nhất 100 km/h đối với tàu khách; 60 km/h đối với tàu hàng). Mạng lưới đường sắt hiện tại đã tạo ra sự kết nối 4/6 vùng, 34 tỉnh/thành phố, 3 tuyến trên hai hành lang chủ đạo Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chiếm 78% mạng lưới, đảm nhận 98% lượng hành khách và 88% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt.
Về đường thủy nội địa
Tổng chiều dài đường thủy nội địa toàn quốc đang quản lý khai thác 17.026 km, trong đó: 7.180 km là các tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa quản lý (miền Bắc 3.044,4 km, miền Nam 2.968,9 km, miền Trung 1.167,5 km). Năng lực kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được nâng cao nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời với việc đưa vào sử dụng một số công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn, hiện đại và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn ở phía Nam và phía Bắc.
Trên mạng lưới đã quy hoạch 45 tuyến vận tải thủy chính: miền Bắc có 17 tuyến, miền Trung có 10 tuyến, miền Nam có 18 tuyến. Toàn quốc có 292 cảng thủy nội địa: 217 cảng hàng hóa, 12 cảng hành khách, 02 cảng tổng hợp và 63 cảng chuyên dùng. Ngoài ra, còn có khoảng 8.200 bến thủy nội địa và hơn 2.500 bến khách ngang sông.
Về đường biển
Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km, hạ tầng đáp ứng được lượng hàng thông qua hơn hàng trăm triệu tấn mỗi năm. Hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn vừa qua đã được chú trọng đầu tư với quy mô, công nghệ hiện tại vươn tầm quốc tế đặc biệt là hệ thống cảng container (02 cảng biển lớn của Việt Nam là Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đều nằm trong top 50 cảng container lớn trên thế giới).
Về tuyến vận tải biển, Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa, trong đó ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và xhâu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore). Hầu hết các cảng gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá và tạo động lực phát triển toàn vùng.
Về đường hàng không
Hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác với tổng diện tích khoảng 11.859 ha; trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội. Trong đó, 07 cảng hàng không ở miền Bắc, 07 cảng hàng không ở miền Trung và 08 cảng hàng không ở miền Nam. Bên cạnh đó, hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.
Về trung tâm logistics
Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, tính đến năm 2022, cả nước có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn 2017- 2022, nhiều trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến và được tiêu chuẩn hóa đã đi vào hoạt động, góp phần giảm gánh nặng cơ sở hạ tầng logistics như: Trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng, Trung tâm logistics KM Cargo Services Hải Phòng, Trung tâm logistics Vĩnh Tân Bình Thuận...
Khó khăn, thách thức
- Về đường bộ: Mạng lưới đường cao tốc nói chung còn thiếu, đặc biệt trên các trục vận tải có lưu lượng lớn như trục Bắc Nam, các tuyến vành đai Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo Bộ Công Thương (2022), do điều kiện địa hình có đến 39% mạng lưới quốc lộ nằm trong khu vực đồi núi và nhiều tuyến được quy hoạch là quốc lộ song chưa được nâng cấp, chưa đạt yêu cầu quy hoạch.
- Về đường sắt: Hầu hết các tuyến đường sắt đều được xây dựng từ lâu nên có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, có nhiều hạn chế về tải trọng nên tốc độ chạy tàu thấp, làm giảm tính cạnh tranh so với các phương thức vận tải khác. Việc phân bổ nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế.
- Về đường thủy nội địa: Hệ thống cảng thủy nội địa hiện chủ yếu phục vụ bốc xếp hàng rời, hàng chuyên dùng với dây chuyền bốc xếp lạc hậu, năng suất thấp, trong khi đó các cảng thủy nội địa tổng hợp, container mới được đầu tư hiện đại tuy nhiên hiệu quả khai thác chưa cao (lượng hàng qua cảng thấp hơn công suất thiết kế). Hạn chế hiện nay của hệ thống cảng thủy là đường bộ kết nối với cảng có trọng tải thấp, không thuận lợi để trung chuyển hàng hóa bằng xe ô tô.
- Về đường biển: Mặc dù đã có những bước tiến lớn cả về thể chế và hạ tầng trong những năm gần đây, tuy nhiên với quy mô xuất, nhập khẩu hàng hóa liên tục tăng và phần lớn vẫn từ đường biển, trong khi năng lực vận tải đường biển còn hạn chế.
- Về đường hàng không: Việc đầu tư hoàn thiện, phát triển trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại các cảng còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác hàng hóa hiện nay chỉ có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là có nhà ga hàng hóa chuyên biệt. Tại Việt Nam hiện nay, cũng chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.
- Về trung tâm logistics: Hiện nay, các địa phương đã đưa ra các quy hoạch, triển khai và xây dựng trung tâm logistics tích hợp trong quy hoạch Tỉnh song việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm. Năng lực khai thác của các trung tâm logistics chưa đạt như kỳ vọng do quy mô, tác động của thị trường...
Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics tại Việt Nam
Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của ngành dịch vụ logistics nói chung và việc hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng logistics nói riêng. Cần nhận thức được rằng, việc đưa ra những giải pháp đột phá để bảo đảm phát triển bền vững, trong đó phát triển các kết nối hạ tầng logistics là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển về logistics của từng địa phương và hiệu quả logistics cho các vùng và cả nước.
Hai là, tiếp tục đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trước xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông tốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho việc giao thương hàng hóa giữa các nước được thuận tiện. Với bất cứ quốc gia nào, hệ thống giao thông cũng có vai trò kết nối sản xuất với tiêu thụ, giữa vùng này với vùng khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác và đáp ứng nhu cầu đi lại của con người, đảm bảo được mối liên hệ kinh tế, phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao nãng suất lao động, thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng, các quốc gia, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, của vùng và địa phương. Phát huy những lợi thế sẵn có về địa lý và nền tảng hiện tại, trong thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư đồng bộ vào hệ thống đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không...
Ba là, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đặc điểm của logistics là phục vụ các hoạt động xuyên suốt chuỗi cung ứng trải rộng tại nhiều địa bàn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, logistics xuyên biên giới còn đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các địa phương của Việt Nam và các địa phương của nước bạn ở biên giới tiếp giáp. Do vậy, việc quy hoạch triển khai xây dựng hạ tầng phục vụ cho logistics giữa các địa phương cần có sự đồng bộ, hợp lý để tận dụng được lợi thế của nhau. Trong đó, các địa phương và vùng tiếp giáp nhau cần có chương trình hành động chung trong việc quy hoạch tích hợp, xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung của vùng giúp phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và có thể đáp ứng nhu cầu của khu vực thị trường rộng lớn hơn, góp phần tăng chất lượng dịch vụ và giảm chi phí lưu kho cho DN. Bên cạnh đó, cần xây dựng những chính sách hỗ trợ nhằm hình thành mạng lưới các DN lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và đặc biệt là nâng cao vai trò kết nối của hiệp hội rất quan trọng.
Bốn là, mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics...
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;
- Bộ Công Thương (2022), Báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;
- Bộ Công Thương (2022), Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 - Logistics Xanh.