Giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên trong bối cảnh hiện nay
Bài viết trao đổi về đạo đức nghề nghiệp đối với lĩnh vực kiểm toán, từ đó đưa ra một số giải pháp giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên trong bối cảnh hiện nay.
Trách nhiệm của kiểm toán viên hành nghề không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng các nhu cầu của khách hàng đơn lẻ hoặc doanh nghiệp nơi kiểm toán viên hành nghề cung cấp dịch vụ, mà còn phải nắm được và tuân thủ các quy định của chuẩn mực đạo đức vì lợi ích của công chúng. Thực tiễn cho thấy, nếu các kiểm toán viên không được đào tạo bài bản và không liên tục thực hành đạo đức nghề nghiệp sẽ rất dễ dẫn đến những sai trái, gian lận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp kiểm toán. Bài viết trao đổi về đạo đức nghề nghiệp đối với lĩnh vực kiểm toán, từ đó đưa ra một số giải pháp giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên trong bối cảnh hiện nay.
Đặt vấn đề
Đạo đức nghề nghiệp là một trong những chủ đề quan trọng cần nghiên cứu trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi đi làm thực tế và trở thành những kiểm toán viên (KTV) chuyên nghiệp. Nếu các KTV không được đào tạo bài bản và không liên tục thực hành đạo đức nghề nghiệp sẽ rất dễ dẫn đến những sai trái, gian lận làm suy đồi giá trị đạo đức, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp kiểm toán. Đạo đức nghề nghiệp đóng một vai trò nền tảng trong các quy trình kiểm toán dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo các chuyên gia kiểm toán, điều quan trọng nhất là KTV cần phải độc lập với đơn vị được kiểm toán. Điều này có nghĩa là KTV không thể có bất kỳ lợi ích tài chính hoặc lợi ích nào khác trong đơn vị có thể làm sai lệch xét đoán của họ. Nếu KTV không khách quan, có thể dẫn đến việc KTV bỏ qua các thông tin quan trọng có thể có tác động tiêu cực đến tổ chức. Cuối cùng, nếu một KTV không đủ năng lực, điều đó có thể dẫn đến việc KTV mắc phải những sai lầm có thể gây tốn kém cho tổ chức.
Bài viết trao đổi về đạo đức nghề nghiệp đối với lĩnh vực kiểm toán, từ đó đưa ra một số giải pháp giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của KTV trong bối cảnh hiện nay.
Tổng quan về đạo đức nghề nghiệp trong kiểm toán
Khái niệm đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp đề cập đến các tiêu chuẩn được chấp nhận một cách chuyên nghiệp về hành vi, giá trị và nguyên tắc chỉ đạo của cá nhân và DN. Các tổ chức nghề nghiệp thường thiết lập các quy tắc đạo đức nghề nghiệp để giúp hướng dẫn các thành viên thực hiện các chức năng công việc của họ theo các nguyên tắc đạo đức phù hợp và đúng đắn. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, đối với kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp và thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cần được coi trọng và đặt lên hàng đầu, phải xác định là một trong những yêu cầu bắt buộc trong hoạt động nghề nghiệp.
Lợi ích của đạo đức nghề nghiệp kiểm toán
Trong hoạt động nghề nghiệp, đạo đức luôn là yếu tố quan trọng, thậm chí là bắt buộc bởi những lợi ích mà nó mang lại cho bản thân cá nhân, xã hội. Đối với kiểm toán, có thể chỉ ra một số lợi ích chính khi tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán như sau:
- Giúp đảm bảo các cuộc kiểm toán được thực hiện một cách chuyên nghiệp và không thiên vị. Điều này sẽ giúp tạo niềm tin vào kết quả của các cuộc kiểm toán đó.
- Giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng cho công ty và tránh phải chịu trách nhiệm/tố tụng pháp lý…
Giúp xây dựng và duy trì lòng tin giữa KTV và khách hàng. Sự tin tưởng này là cần thiết cho một mối quan hệ kiểm toán thành công.
- Giúp KTV trở thành cá nhân, đơn vị xuất sắc trong nghề với chuẩn mực cao về đạo đức và góp phần xây dựng sự tín nhiệm trong nghề nghiệp.
Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Việt Nam
Theo Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ban hành kèm theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính: “Kế toán viên, KTV chuyên nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản sau:
Bảng 1: Một số mục tiêu chính của đạo đức nghề nghiệp trong kiểm toán |
||
STT |
Mục tiêu |
Ý nghĩa |
1 |
Đảm bảo tính độc lập |
Đây là yêu cầu quan trọng để bảo vệ lợi ích công chúng. KTV độc lập đưa ra ý kiến khách quan về báo cáo tài chính của tổ chức, giúp các nhà đầu tư và các bên liên quan khác đưa ra quyết định sáng suốt. |
2 |
Bảo vệ lợi ích công chúng |
KTV đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các tổ chức công bố thông tin tài chính chính xác và đáng tin cậy. Thông tin này được sử dụng bởi các nhà đầu tư, chủ nợ và các bên liên quan khác để đưa ra quyết định đầu tư hoặc cho công ty vay tiền. |
3 |
Duy trì tính liêm chính |
Đây là yêu cầu cần thiết để duy trì lòng tin của công chúng đối với hoạt động kiểm toán. KTV phải tuân thủ quy tắc đạo đức ứng xử nghiêm ngặt và duy trì các tiêu chuẩn cao về năng lực nghề nghiệp. |
4 |
Duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về năng lực chuyên môn và sự thận trọng cần thiết |
Đây là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ công chúng khỏi công việc kiểm toán kém chất lượng. |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
- Tính chính trực: Phải thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh.
- Tính khách quan: Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xét đoán chuyên môn và kinh doanh của mình.
- Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Thể hiện, duy trì sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo khách hàng hoặc chủ DN được cung cấp dịch vụ chuyên môn có chất lượng dựa trên những kiến thức mới nhất về chuyên môn, pháp luật và kỹ thuật, đồng thời hành động một cách thận trọng và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng.
- Tính bảo mật: Phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh, vì vậy, không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền, trừ khi có quyền hoặc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật hoặc cơ quan quản lý, hoặc tổ chức nghề nghiệp và cũng như không được sử dụng thông tin vì lợi ích cá nhân của kế toán viên, KTV chuyên nghiệp hoặc của bên thứ ba.
- Tư cách nghề nghiệp: Phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.
Tháng 5/2015, Ủy ban Chuẩn mực đạo đức quốc tế (IESBA) của IFAC đã công bố phiên bản năm 2015 của Chuẩn mực đạo đức quốc tế áp dụng cho kế toán viên, KTV chuyên nghiệp (có hiệu lực từ ngày 15/4/2016). Chuẩn mực đạo đực nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam ban hành theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015 dựa trên phiên bản chuẩn mực đạo đức quốc tế năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các quy định về đạo đức nghề nghiệp kiểm toán ở Việt Nam vẫn cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế.
Giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên trong bối cảnh hiện nay
Thời gian qua, có những trường hợp kế toán viên, KTV chuyên nghiệp không tuân thủ các quy định nhất định trong Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ban hành kèm theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC, từ đó làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên liên quan. Trong bối cảnh đó, để giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của KTV trong bối cảnh hiện nay, trong thời gian tới, cần chú trọng một số nội dung sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giúp các DN kiểm toán và KTV thể hiện đúng năng lực và uy tín của mình trong bối cảnh cạnh tranh dịch vụ kiểm toán ngày càng cao hơn.
- Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và đưa ra những mức xử phạt nặng đối với những DN kiểm toán và KTV vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
- Thường xuyên tăng cường hợp tác quốc tế, cập nhật các chuẩn mực đạo đức kiểm toán do các quốc chức kiểm toán quốc tế ban hành, bổ sung.
Về phía Hiệp hội nghề nghiệp
- Tăng cường tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho các DN và KTV. Thường xuyên khuyến khích các thành viên có hành vi đạo đức đúng đắn và tuân thủ điều lệ này.
- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, đặc biệt là phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế có kinh nghiệm trong việc áp dụng các chuẩn mực đạo đức. Đồng thời, thường xuyên kết nối, cập nhật các chuẩn mực mới tiệm cận với thông lên quốc tế.
- Tăng cường việc kiểm tra, giám sát các hội viên, KTV trong hoạt động nghề nghiệp. Đưa ra các biện pháp khuyến cáo và chế tài xử phạt theo điều lệ của Hội...
Về phía doanh nghiệp kiểm toán
- Cần tiên phong trong thực hiện đạo đức nghề nghiệp. Bằng cách thể hiện các hành vi đạo đức phù hợp và cố gắng củng cố các giá trị đạo đức, các nhà quản lý của DN kiểm toán có thể mở đường cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của nhân viên.
- Xây dựng văn hóa DN dựa trên đạo đức nghề nghiệp và nó phải thấm nhuần vào tổ chức. Chẳng hạn, DN kiểm toán có thể biên soạn các tiêu chí đạo đức tại nơi làm việc một cách chi tiết hơn, phổ biến rộng rãi để hỗ trợ thành những slogan hành động của KTV.
- Thường xuyên quan tâm nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho KTV để cải thiện các xét đoán nghề nghiệp, giúp phát hiện gian lận, sai sót trong quá trình kiểm toán của KTV.
Về phía cơ sở đào tạo
- Tăng cường học phần đạo đức nghề nghiệp KTV, giúp sinh viên có nhận thức đầu tiên về tầm quan trọng của nghề nghiệp kiểm toán và sự đóng góp giá trị của đạo đức vào nhân cách các KTV.
- Mời các chuyên gia từ các DN KTV hàng đầu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam (Nhóm Big four) trao đổi về đạo đức nghề nghiệp, cách thức vận dụng trong các trường hợp cụ thể và các khuyến cáo cần biết khi thể hiện trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp trong quá trình kiểm toán.
Về phía kiểm toán viên
- Phải thận trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. KTV phải sử dụng các kỹ năng và kiến thức mà họ có được thông qua đào tạo và kinh nghiệm để thực hiện công việc của họ một cách siêng năng và chính xác.
- Phải thiết lập uy tín, tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và sự tự tin. KTV phải luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng, luôn đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu và hành động theo cách sẽ bảo vệ lợi ích của họ.
- Duy trì tính bảo mật và tính khách quan tại mọi thời điểm. KTV không chia sẻ thông tin về cuộc kiểm toán với bất kỳ ai không được cho là có quyền truy cập và đánh giá báo cáo tài chính. KTV cũng không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào về khách hàng của họ hoặc công việc họ đã làm mà không có sự đồng ý của khách hàng, ngoại trừ yêu cầu của pháp luật.
- Phải duy trì tính khách quan và độc lập trong công việc. KTV cũng phải trung thực và trung thực trong các giao dịch của họ với khách hàng và những người khác.
Kết luận
Lĩnh vực kiểm toán nói chung và ngành nghề kiểm toán nói riêng có đặc điểm khá đặc biệt, đó là cung cấp dịch vụ có thu phí từ khách hàng nhưng để bảo vệ lợi ích của công chúng. Do đó, KTV phải luôn hành động một cách có đạo đức để duy trì sự tin tưởng của những người mà họ làm việc và để bảo vệ các tổ chức mà họ kiểm toán. Do vậy, việc giúp KTV thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp của mình là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015 ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
- Quốc hội (2011), Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12;
- Đỗ Thị Thanh Tâm (2017), Bàn về đạo đức của nghề Kiểm toán. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ban-ve-dao-duc-cua-nghe-kiem-toan-46534.htm;
- Phạm Sỹ Danh (2019), Đạo đức hành nghề kiểm toán, Tham luận tại Diễn đàn khoa học 'Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay ngày 28/8/2019.